Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Có hình xăm vẫn nhập ngũ, cố xăm để trốn tránh có thể bị xử lý hình sự

Thành Công
Thành Công

Quy định hình xăm ở vị trí lộ diện, diện tích nhỏ vẫn xem xét gọi nhập ngũ; cố tình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 5 năm tù (Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015).

Ngăn chặn dùng hình xăm trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Gần đây Cử tri TPHCM đã lên tiếng phản ánh hiện nay có một số thanh niên trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự bằng cách sử dụng hình xăm. Do đó Cử tri đề  nghị cơ quan chức năng có biện pháp nghiêm đối với cá nhân lợi dụng hình xăm để trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự.

Có hình xăm vẫn nhập ngũ, cố xăm để trốn tránh có thể bị xử lý hình sự - 1
Niềm vui ngày nhập ngũ (Ảnh minh họa: ITN).

Trước tình hình có hiện tượng lạm dụng hình xăm trốn tránh nghĩa vụ quân sự, Bộ quốc phòng đã có ý kiến.

Bộ Quốc phòng chỉ ra những quy định về hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ vào phục vụ trong quân đội được quy định tại thông tư liên tịch số 50/2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. 

Theo đó Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định không tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội những trường hợp trên cơ thể có:

- Hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực

- Những hình xăm chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống.

- Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.

Như vậy hình xăm, chữ xăm trên cơ thể được xem là một nội dung thuộc về tiêu chuẩn chính trị đạo đức tuyển công dân nhập ngũ phục vụ trong quân đội. Những hình xăm bị cho là gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân, xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội.

Quy định trường hợp các hình xăm vẫn có thể gọi nhập ngũ

Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm không thuộc các quy định trên hoặc có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét, gọi nhập ngũ.

Thực tế cũng có những trường hợp công dân đã lợi dụng quy định này nên đã cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển, hoặc sau khi sơ tuyển biết đủ tiêu chuẩn gọi nhập ngũ để nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây dư luận bất bình.

Bộ Quốc phòng đã kịp thời ngăn chặn hành vi này, bằng cách từ năm 2020 đã đã ban hành công văn 4142 về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021.

Công văn 4142 quy định nếu hình xăm, chữ xăm ở vị trí lộ diện, nhưng diện tích nhỏ, không ảnh hưởng đến lễ tiết tác phong quân nhân, xây dựng chính quy, môi trường văn hóa quân đội thì vẫn được xem xét gọi nhập ngũ.

Công văn này cũng hướng dẫn cơ quan thực hiện khám tuyển phải phân loại rõ giữa hình xăm, chữ xăm (làm thay đổi sắc tố da) và hình, chữ dán, phun, vẽ, viết trên da. Trường hợp công dân dùng hình, chữ dán, phun, vẽ, viết... trên da thì phải vận động công dân tẩy, xóa trước khi giao quân.

Khi công dân nhập ngũ, đơn vị tiếp tục rà soát, vận động công dân tẩy xóa hình trên da.

Hằng năm Cục Bảo vệ an ninh quân đội hướng dẫn chi tiết cụ thể về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, góp phần hạn chế hành vi công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm trên cơ thể để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Bộ Quốc phòng nêu rõ việc tiếp thu ý kiến cử tri sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, tổng thể vấn đề này và sẽ phối hợp các bộ liên quan để sửa đổi, bổ sung thông tư liên tịch 50/2016 vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.

Như vậy, không phải trong mọi trường hợp xăm mình đều không đi nghĩa vụ quân sự. Tùy vào tính chất, kích thước hình xăm thì công dân vẫn có thể được đi nghĩa vụ quân sự kèm theo đáp ứng về các tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định.

Cố tình xăm mình để trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý ra sao?

Nhiều trường hợp vì muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự mà chọn cách đi xăm mình vì nghĩ xăm mình sẽ không đi nghĩa vụ. Tuy nhiên, như đã phân tích trên thì xăm mình vẫn có thể đi nghĩa vụ quân sự.

Bên cạnh đó, việc cố tình xăm mình để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc theo quy định của pháp luật thì họ có thể đối mặt với xử phạt hành chính theo các mức phạt được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 và khoản 2 Điều 7 của Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP):

- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

- Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

Có thể thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cố ý xăm mình có thể bị phạt lên tới 50 triệu đồng tùy mức độ và trường hợp khác nhau. Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển chọn, cần có công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục. Cần có phương án hợp tác với công dân để tẩy xóa hình xăm trái phép. Khi phát hiện vi phạm cố ý, công dân phải chịu sự xử lý của pháp luật.

Ngoài ra, người cố tình xăm mình để trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 thì có thể bị phạt tù lên đến 5 năm tù.

Qua đó, công dân Việt Nam đều phải chấp hành tốt và đúng đối với nghĩa vụ quân sự của mình. Những hành vi trốn tránh đều có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong trường hợp

- Công dân là con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

- Công dân là một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

- Công dân là một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

- Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.