Được đánh giá có nhiều lợi thế phát triển, mới đây Tập đoàn công nghệ Intel (Mỹ) đã cam kết sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng trong việc đào tạo nhân lực cần thiết phục vụ cho lĩnh trí tuệ nhân tạo (AI).
Không chỉ có cơ sở hạ tầng phù hợp để phát triển lĩnh vực này, Đà Nẵng có Khu công nghệ cao với quy mô lên đến 1100ha - một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia, cùng các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung sẵn sàng phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp đến thành phố đầu tư, nghiên cứu, phát triển AI.
Theo UBND TP Đà Nẵng, Tập đoàn Intel cũng giới thiệu và mời gọi các dự án nghiên cứu liên quan đến AI của các học sinh, sinh viên Đà Nẵng tham gia cuộc thi AI toàn cầu do Intel tổ chức.
Cuộc thi này không chỉ là cơ hội để các nhà công nghệ trẻ giới thiệu các giải pháp AI mà còn giúp phát triển kỹ năng AI và hợp tác giữa các thế hệ trẻ.
Sự hợp tác giữa Đà Nẵng và Intel là một bước tiến quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực chuyên môn đủ tiêu chuẩn đáp ứng thị trường công nghệ, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Trong năm 2024 này, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) cũng sẽ phối hợp với Tập đoàn Intel tổ chức các lớp đào tạo giảng viên (train the trainer) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để tạo nguồn giảng viên cơ hữu, chủ động cho thành phố.
Xác định là lĩnh vực động lực tăng trưởng, để thu hút các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này, mới đây TP Đà Nẵng đã đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm cho các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn…
Thành phố cũng thành lập 2 tổ triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP Đà Nẵng” gồm Tổ Công tác và Tổ Tư vấn.
Các tổ này ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và điều phối tổ chức triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP Đà Nẵng” cũng sẽ đề xuất chính sách để thu hút đầu tư, nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển ngành chip bán dẫn TP Đà Nẵng…
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn công nghệ Synopsys (Mỹ) cũng vừa ký kết hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Ngoài việc chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng các bộ công cụ, phần mềm thiết kế chip cho sinh viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Synopsys cũng sẽ tiếp nhận sinh viên đến thực tập và giới thiệu việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với doanh nghiệp trong và ngoài nước; hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ lĩnh vực thiết kế vi mạch…
Đặc biệt, hai bên còn cùng phát triển Viện nghiên cứu bán dẫn, thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để cung cấp trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu, dùng chung cho các trường đại học, công ty khởi nghiệp.
Ngoài ra, Công ty Siemens Electronic Design Automation (Đức) cũng ký kết hợp tác với khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cung cấp các phần mềm thiết kế.
Còn tại Hà Nội, Samsung Việt Nam đã cùng Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) ký văn bản hợp tác, với mục tiêu trong 4 năm đào tạo các sinh viên ưu tú của VNU trở thành nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực bán dẫn…
Tú Anh