Ban đại diện CMHS có phải “cánh tay nối dài”?
Bên cạnh những phản đối của phụ huynh, nhiều cha mẹ khác lại cho rằng, Ban đại diện CMHS vẫn cần thiết, không thể bỏ. Chị Trần Thị Hải có con học trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét, phần lớn Ban đại diện CMHS ở trường mà chị từng tiếp xúc đều nhiệt tình, làm việc vô tư. Họ tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, dã ngoại, liên hoan và khen thưởng trò giỏi cuối năm. Kinh phí không do ngân sách, hoặc nếu có thì hạn hẹp, nên việc kêu gọi đóng góp là hợp lý. Nhiều học sinh đau ốm, gia đình gặp hoạn nạn, Ban đại diện CMHS lại đứng lên kêu gọi giúp đỡ. "Chúng ta đừng vì thấy một vài nơi không tốt lại đòi xóa bỏ. Thay vào đó hãy góp ý để họ điều chỉnh cho tốt hơn. Ngoài ra, Ban đại diện CMHS cũng nên mạnh dạn quay về chính danh. Ban hãy từ chối nếu nhà trường đề nghị thu những khoản liên quan đến cơ sở vật chất. Nếu cần thiết thu, họ cần khéo léo kêu gọi, tránh gây tâm lý ức chế với phụ huynh”, chị Hải nêu ý kiến.
Học sinh trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học mới.
Là giáo viên đồng thời là phụ huynh của hai con đang học tiểu học, anh Vũ Hải Nam (Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội) khẳng định, vẫn nên duy trì Ban đại diện CMHS. Theo anh Nam, Ban này đóng vai trò kết nối, hỗ trợ giáo viên, nhà trường chăm lo học sinh tốt nhất. Ngoài ra, Ban đại diện cũng đứng ra bảo vệ quyền lợi học sinh, phụ huynh, phản biện chính sách của ngành giáo dục nếu thấy bất cập. “Ban đại diện không nên tham gia quá sâu vào khía cạnh thu chi tài chính, bởi vấn đề này dễ gây chia rẽ, phản ứng từ phụ huynh. Họ chỉ nên kết nối để phụ huynh bàn bạc, thống nhất trước mỗi đề xuất thu, chi, mua sắm. Ban đại diện CMHS hãy trở về đúng quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ của mình được nhà nước quy định”, anh Nam kiến nghị.
Một phụ huynh có con học lớp 5 tại trường tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ cho biết, chị từng làm trong Ban đại diện CMHS, bản thân không lợi lộc gì, nhưng hay bị phụ huynh hiểu lầm. Nhiều người nói Ban đại diện CMHS là “cánh tay nối dài” để nhà trường hợp thức hóa các khoản thu. “Việc thu – chi là do gợi ý của giáo viên, của Hiệu trưởng, không làm thì sợ các con thiệt thòi… Mệt mỏi lắm. Thế nên năm nay tôi quyết định xin ra khỏi Ban đại diện CMHS cho dù cô giáo và trong Ban không đồng ý”, phụ huynh này chia sẻ.
Ban đại diện CMHS mục đích không phải là đi thu tiền
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ DG&ĐT nêu quan điểm, không phải Ban đại diện CMHS cố tình làm sai mà đang bị các trường lợi dụng để lạm thu. Vì vậy, yêu cầu xóa bỏ Ban đại diện CMHS trong nhà trường là xuất phát từ bức xúc của phụ huynh. Thế nhưng việc làm này nếu được thực hiện sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Chỉ có giải pháp quy định rõ các khoản thu và xử lý nặng trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu mới có thể giải quyết căn cơ tình trạng lạm thu.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, câu chuyện về lạm thu phải giải quyết được từ 3 phía, đó là: Người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm; Ban đại diện CMHS làm đúng chức năng của mình, có đủ năng lực, phẩm chất; sự tham gia của cộng đồng là chính quyền địa phương.
PGS.TS Văn Như Cương: "Ban đại diện cha mẹ học sinh mục đích không phải là đi thu tiền".
PGS.TS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng nhà trường, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định, Ban đại diện CMHS mục đích không phải là đi thu tiền. Ban đại diện CMHS là một hình thức sáng tạo, kết hợp gia đình, học đường và xã hội, là kiềng 3 chân của nền học đường. Ban được thành lập với mục đích là phối hợp giữa nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Khi nhà trường kết hợp với phụ huynh mới hoàn thành được việc giáo dục các cháu. Nếu xóa bỏ Ban đại diện CMHS đi thì sẽ dẫn đến trường hợp Hiệu trưởng có thể lộng quyền hơn. “Chúng ta phải củng cố lại mục tiêu, mục đích, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để giáo dục con em tốt hơn chứ không nên bỏ. Chúng ta cần bầu ra được một Hội phụ huynh đúng nghĩa, đại diện cho các bậc phụ huynh đấu tranh vì quyền lợi cho học sinh và ngăn chặn sự lạm thu từ phía nhà trường Ban đại diện CMHS không nên tiếp tay cho việc lạm thu của nhà trường”, PGS.TS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định, Ban đại diện CMHS rất cần thiết vì có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Để đảm bảo hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phát huy đúng vai trò, chức năng của mình, Bộ sẽ nghiên cứu bỏ quy định Ban đại diện CMHS thu tiền để không xảy ra tình trạng các trường lách luật, sử dụng Ban đại diện CMHS như tấm “bình phong” để lạm thu như thực tế đang diễn ra ở một số trường hiện nay.
Nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1. Nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp: a) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; c) Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. 2. Quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp: a) Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh theo quy định tại Điều 9 của Điều lệ này (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp; b) Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; c) Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp. (Trích Thông tư 55 ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh). |