Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Cụ ông 85 tuổi say mê công tác khuyến học

Với cụ Võ Văn Lộc, làm tốt công tác khuyến học ngay từ trong gia đình mới có thể lan tỏa phong trào học tập ra xã hội. Cùng chương trình “Chỉ vàng khuyến học”, “Tiếng kẻng học bài”, cụ ông 85 tuổi đã gây dựng phong trào khuyến học xã mình thành điểm sáng của huyện lúa Yên Thành (tỉnh Nghệ An).

 

Chỉ vàng khuyến học

Cụ Võ Văn Lộc (SN 1932, trú xã Phú Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) là cán bộ quản lý giáo dục của một huyện miền núi của Nghệ An. Khi nghỉ hưu, cụ về quê tham gia Ban chấp hành Hội người cao tuổi của xã. 72 tuổi, “hết tuổi cơ cấu” làm cán bộ Hội người cao tuổi, cụ được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Phú Thành.

 

85 tuổi, cụ Võ Văn Lộc vẫn miệt mài với công tác khuyến học.

“Cái thuận lợi của tôi là đi ra từ công tác giáo dục, được gia đình, con cái ủng hộ. Tôi nghĩ, muốn làm tốt công tác khuyến học của địa phương, trước hết phải làm tốt công tác khuyến học từ trong gia đình. Mỗi gia đình nhỏ trong gia đình lớn của tôi là một thành viên khuyến học, nó như “vết dầu loang” để phát triển phong trào khuyến học ở địa phương”, cụ Lộc cho hay.

Khuyến học từ trong gia đình mà vụ Lộc nói đó là chính sách khen thưởng những thành viên trong gia đình có thành tích học tập tốt. Cụ ông 85 tuổi đề ra chính sách “bất kỳ ai đỗ đại học, không kể cháu nội hay cháu ngoại đều được thưởng 1 chỉ vàng”.

8 người con, gần 20 người cháu, chính sách“chỉ vàng khuyến học” khiến vợ chồng cựu giáo chức “thâm thủng ngân sách” nhưng cụ ông 85 tuổi rất vui bởi con cháu đều đỗ đạt. Phần thưởng này được cụ trao tặng các cháu ngay trước thời điểm nhập trường với điều kiện… không được bán.

 

Cụ Lộc tham dự Lễ kỉ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam do Hội Khuyến học huyện Yên Thành tổ chức.

“Tôi yêu cầu các cháu phải luôn giữ bên mình, tuyệt đối không được bán. Món quà này không đơn thuần là giá trị vật chất mà để các cháu thấy được gia đình, dòng họ đã kỳ vọng như thế nào mà phấn đấu trong rèn luyện, học tập…”, cụ Lộc chia sẻ.

Nối tiếp truyền thống gia đình, các con, các cháu của cụ đều học hành đỗ đạt. Hiện gia đình cụ có 2 tiến sĩ, nhiều người công tác và giữ vị trí chủ chốt trong cơ quan, doanh nghiệp… Các con thành đạt, phương trưởng, cùng nhau hỗ trợ, đóng góp kinh phí để cụ và Hội Khuyến học tổ chức trao thưởng cho giáo viên, học sinh trong xã có thành tích cao.

Đến “Tiếng kẻng học bài”

Cứ đều đặn 19h hàng ngày, từ 3 cụm dân cư Tiên Bồng, Tường Lai, Thanh Đạt (xã Phú Thành), tiếng kẻng học bài lại vang lên. Tất cả học sinh các cấp ngay lập tức ngồi vào bàn học. Mô hình “Tiếng kẻng học bài” đã được xây dựng và duy trì, phát huy hiệu quả từ nhiều năm nay.

 

Cụ Lộc trao đổi kinh nghiệm làm khuyến học với Tiến sĩ Lê Xuân Quang - Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Tăng Thành

Cụ Lộc trao đổi kinh nghiệm làm khuyến học với Tiến sĩ Lê Xuân Quang - Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Tăng Thành.

Ở tuổi 85, cụ Lộc vẫn cần mẫn đến từng xóm để trực tiếp kiểm tra. “Phải kiểm tra xem các cơ sở có hoạt động thực chất không, các cháu có nghiêm túc học bài hay không? Tiếng kẻng không phải là tiếng động phát ra từ một vật vô tri mà đây là tiếng lòng thúc giục, là tiếng nói trách nhiệm của gia đình, của xã hội đối với việc học tập của con em mình”, cụ Lộc tâm sự.

Kết quả sau buổi kiểm tra đều được cụ viết lại, phân tích những mặt đã được, những mặt chưa được rồi gửi về từng xóm, phát trên hệ thống truyền thanh của xã để các gia đình nắm được việc học hành của con em mình.

Không chỉ có “Tiếng kẻng khuyến học” được duy trì trong suốt 9 tháng của năm học mà vào mỗi dịp hè về, ở mỗi xóm của Phú Thành đều thành lập Ban chỉ đạo hè. Buổi tối, nơi khoảnh sân rộng của nhà văn hóa xóm, dưới sự quản lý giám sát của cán sự xóm và phụ huynh, các em học sinh quây quần bên nhau, anh chị lớn bày cho các em nhỏ hơn ôn luyện, củng cố lại kiến thức.

 

Ông Hoàng Danh Vực - Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Yên Thành (Nghệ An): Cụ Lộc là người tâm huyết, say sưa và có nhiều sáng tạo trong công tác khuyến học.

Theo cụ Lộc thì việc học phải là quá trình liên tục nhưng ngày hè, các cháu học mà chơi, chơi mà học chứ không được nặng nề, áp đặt. Nhờ vậy, sau thời gian nghỉ hè, các cháu bước vào năm học mới với tâm thế vững vàng hơn.

Tại xã Phú Thành, ngoài các mô hình “Dòng họ khuyến học”, “Gia đình khuyến học”, “Tiếng kẻng học bài”, một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy phong trào học tập ở đây phát triển chính là mô hình Ban khuyến học của các xóm. Nòng cốt của Ban khuyến học là Bí thư chi bộ xóm. Với việc gắn trách nhiệm cụ thể của cán bộ xóm, sâu sát tới từng gia đình, theo cụ Lộc là cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất, để từng gia đình, từng cán bộ theo dõi sát sao việc học tập của con em mình.

“Năm nay, toàn xã có 4 em đạt 27 điểm xét tuyển đại học trở lên, 3 em đạt từ 25-27 điểm. Còn từ dưới 25 điểm thì không thống kê do Hội khuyến học xã… không đủ kinh phí khen thưởng”, cụ Võ Văn Lộc cho biết.

 

Cụ Võ Văn Lộc: Còn sức khỏe, còn minh mẫn, được chính quyền và nhân dân tín nhiệm thì tôi vẫn làm khuyến học
Cụ Võ Văn Lộc: "Còn sức khỏe, còn minh mẫn, được chính quyền và nhân dân tín nhiệm thì tôi vẫn làm khuyến học".

85 tuổi, cụ vẫn miệt mài với công tác khuyến học, khuyến tài với mức hỗ trợ “mang tính tượng trưng” 700 nghìn đồng/tháng. Số tiền này để trả tiền xe ôm khi đi họp trên huyện có khi còn không đủ. Cụ bảo, người làm khuyến học phải làm từ cái tâm, không màng quyền lợi cho cá nhân. Cụ sẵn sàng bỏ tiền túi và kêu gọi sự đóng góp của con cháu, của bạn bè để cho Hội có nguồn kinh phí khen thưởng, hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Ông Hoàng Danh Vực - Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Yên Thành cho biết: “Cụ Võ Văn Lộc dù tuổi đã cao nhưng là một người cực kỳ tâm huyết, say sưa và có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Trước đây, khi sức khỏe còn cho phép, cụ mở lớp dạy miễn phí 3 môn Toán, Lỳ, Hóa cho con em trong xã”.

“Các con thấy tôi già cả rồi, cứ động viên nghỉ ngơi. Mình còn sức khỏe, trí tuệ còn minh mẫn, người dân và chính quyền địa phương tín nhiệm, các cháu yêu mến, nghỉ sao được?”, cụ Lộc tâm sự.