Thực hiện mục tiêu “kép”, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, lại vừa đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch bệnh trước diễn biến dịch Covid-19 kéo dài, Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng) đã triển khai các phương án làm việc sử dụng hình thức thư điện tử, qua website, mạng xã hội và các kênh tuyên truyền khác để cập nhật thông tin về các phiên giao dịch việc làm, thông tin việc làm trống, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp và đào tạo nghề cho người lao động…Hàng chục nghìn lượt người đã được Trung tâm tư vấn, cung cấp thông tin kịp thời, từ việc vận dụng linh hoạt các phương pháp và đa dạng hóa việc cung cấp thông tin phù hợp.
Theo đó, Trung tâm đã tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và lập thủ tục giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đúng chế độ, đúng hẹn, không có trường hợp nào để xảy ra sai sót, khiếu nại; xây dựng phương án giải quyết chế độ hợp lý trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đảm bảo mọi quyền lợi của người lao động. Tính đến ngày 31/8/2021, trên cơ sở số người nộp hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đã có hơn 12.690 người trên địa bàn thành phố đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền 242 tỷ đồng. Trung tâm cũng tăng cường công tác tư vấn học nghề cho lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.
Theo ông Nguyễn Đức Trí, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, bên cạnh việc vận dụng linh hoạt các phương thức tiếp cận với người lao động cũng như doanh nghiệp, tăng cường kết nối trực tuyến để đảm bảo tiến độ công việc trong thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Trung tâm đã kịp thời đề ra các giải pháp thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn được Trung tâm thực hiện theo phương châm “đúng chế độ, đúng đối tượng và đúng thời gian”.
Trung tâm cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng; mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động; tư vấn cho lao động thất nghiệp đủ điều kiện, sức khỏe, học vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Qua đó, đã giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mất việc, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tổ chức được 16 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 15 phiên giao dịch định kỳ và 1 phiên di động, còn lại là các phiên giao dịch thông qua các kênh online, Facebook, email,… với hơn 2.600 lượt đơn vị đăng ký tham gia tuyển dụng. Trung tâm đã chắp nối, giới thiệu việc làm cho hơn 1.750 lao động.
Bên cạnh giải quyết việc làm cho người lao động, Trung tâm còn tổ chức cập nhật thông tin biến động về Cung lao động năm 2021; chủ động liên hệ với doanh nghiệp để khai thác thông tin, tổng hợp số liệu, phân tích tình hình tuyển dụng của doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ người lao động trong định hướng nghề nghiệp, học nghề, tìm kiếm việc làm…
Liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng cũng cho biết, thành phố có khoảng 205.580 người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, có khoảng 171.650 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 33.930 người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền hỗ trợ hơn 490 tỷ đồng.
Dự kiến, có 8.472 đơn vị được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động với 169.321 lao động được giảm đóng; số tiền giảm đóng sơ bộ là hơn 120 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 23/10, Bảo hiểm xã hội thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho 104.702 người lao động, với tổng số tiền hơn 255 tỷ đồng, trong đó có 93.325 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 232 tỷ đồng; 11.377 người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền gần 23 tỷ đồng, góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.