Với việc tuyên truyền, vận động số học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề, năm 2018 đã có 11.813 học sinh sinh viên có hộ khẩu Đà Nẵng tham gia học nghề, trong đó có 1.380 học sinh tốt nghiệp THCS vào học Trung cấp.
Theo đó, năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tuyển mới 54.300 học sinh, sinh viên, đạt 102,45% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng là gần 8.950 sinh viên; trình độ trung cấp: 2.772 học sinh; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 42.580 học viên. Ngành nghề tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm ngành/ nghề thương mại dịch vụ chiếm 66,30%, nhóm ngành/ nghề công nghiệp xây dựng chiếm 32,67% và nhóm ngành/ nghề nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 1,03%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51,07%.
Bà Kiều Thị Thanh Trang – Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng) cho biết, năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường THCS, THPT trên địa bàn tuyên truyền, vận động số học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề. Kết quả, đã có 11.813 học sinh sinh viên có hộ khẩu Đà Nẵng tham gia học nghề, chiếm 21,76% trong tổng số học sinh sinh viên được tuyển sinh năm 2018. Trong đó, có 1.380 học sinh tốt nghiệp THCS vào học Trung cấp.
Về thực hiện các chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn, lao động đặc thù, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, ngày từ đầu năm , đơn vị đã triển khai thực hiện giao chỉ tiêu và ký kết hợp đồng đặt hàng đào tạo với 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Hội Nông dân thành phố để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, với kinh phí đào tạo hơn 2.050 triệu đồng. Trong năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Hội Nông dân đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 1.021 lao động nông thôn, lao động đặc thù, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của người lao động.
Bà Kiều Thị ThanhTrang cũng cho biết, cùng với những chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề trong thời gian qua, cơ cấu ngành nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã dần bám sát cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và theo nhu cầu của thị trường lao động, từng bước góp phần vào việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP. Đà Nẵng, các tỉnh lân cận và cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Một bộ phận người dân đã thay đổi nhận thức để tham gia học nghề, giải quyết việc làm, tỉ lệ học sinh sinh viên học nghề ra trường có việc làm đạt trên 70%. Trong đó, một số nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô, tỉ lệ có việc làm đạt 90 – 100%. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động được đào tạo nghề chỉ chiếm 10% - 12% trong tổng tỉ lệ thất nghiệp của thành phố.
Được biết, TP. Đà Nẵng hiện có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 20 trường cao đẳng; 6 trường trung cấp; 11trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tổng quy mô tuyển sinh đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hơn 52.560 học sinh, sinh viên với 260 ngành nghề đào tạo ở các cấp trình độ đào tạo khác nhau.