Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đà Nẵng: Tỷ lệ nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề còn thấp

“Phần lớn đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn hạn chế về trình độ kỹ năng nghề, tỷ lệ nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề quốc gia, bậc thợ và nghệ nhân còn thấp”, thông tin này được Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng đưa ra tại hội nghị triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp năm học 2018- 2019 tổ chức mới đây.

Nhiều nhà giáo được tập huấn kỹ năng dạy tích hợp và sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong đào tạo

Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 2.810 cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo. Trong đó, nhà giáo cơ hữu là 2.214 người.

Đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ chiếm 5,39%, trình độ thạc sĩ chiếm 37,46%, trình độ đại học chiếm 36,44%, trình độ cao đẳng chiếm 4,23%, trình độ trung cấp chiếm 5,69% và công nhân kỹ thuật chiếm 10,79%. Nhà giáo có trình độ tiến sĩ chiếm 2,45%, trình độ thạc sĩ chiếm 43,69%, trình độ đại học chiếm 28,67%, trình độ cao đẳng chiếm 2,97%, trình độ trung cấp chiếm 15,77% và công nhân kỹ thuật chiếm 6,45%.

Về trình độ kỹ năng nghề, bà Kiều Thị Thanh Trang – Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng) cho biết: có 455 nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề, bậc thợ và tương đương chiếm 21,44%. Trong đó, kỹ năng nghề bậc I và tương đương chiếm 14,18%; chứng chỉ kỹ năng nghề bậc II chiếm 0,38%; chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc III chiếm 2,59%; chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề chiếm 3,35%; chứng chỉ bậc thợ chiếm 0,57% và kỹ năng nghề nghiệp khác chiếm 0,38%.

Bà Trang cũng cho biết, năm 2018 nhờ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề, trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo đã tăng 17,38%. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, phần lớn đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế về trình độ kỹ năng nghề, tỷ lệ nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề quốc gia, bậc thợ và nghệ nhân còn thấp.

Nhằm nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên trong các sơ sở giáo dục nghề nghiệp, năm 2018, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng dạy tích hợp và sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong đào tạo cho 450 giảng viên các trường cao đẳng trên địa bàn thành phố. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý cho 55 cán bộ quản lý tại các trường cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng.

Đặc biệt, với hai trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và Trường Cao đẳng nghề số 5), trong năm 2018, Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia là Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đã tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia bậc I nghề Công nghệ ô tô cho 46 lao động là các nhà giáo dạy trình độ sơ cấp nghề. Trong đó, có 30 nhà giáo dạy sơ cấp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố; 65 nhà giáo tham gia đánh giá kỹ năng nghề ở các Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia ở các tỉnh khác.

Chủ động trong công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã cử giáo viên và cán bộ quản lý đi bồi dưỡng, học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động mời các chuyên gia tập huấn phương pháp dạy học tích hợp với hơn 500 lượt cán bộ và giáo viên tham gia.

Được biết, thành phố Đà Nẵng hiện có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng quy mô tuyển sinh đào tạo hơn 52.560 học sinh, sinh viên ở 260 ngành nghề đào tạo với các cấp trình độ đào tạo khác nhau. Năm học 2018- 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tuyển mới 54.500 học sinh, sinh viên. Trong đó, trình độ cao đẳng: 12.000 sinh viên, trình độ trung cấp nghề: 4.000 học sinh, sơ cấp và đạo tạo dưới 3 tháng: 38.500 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 53% và phấn đấu 80% lao động học giáo dục nghề nghiệp được giới thiệu và giải quyết việc làm.