Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, báo cáo của Chính phủ cho thấy ngành giáo dục đã đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng thiết thực, tăng tính thực hành gắn với thực tiễn. Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động, giáo dục hướng nghiệp, định hướng, phân luồng trong giáo dục phổ thông ngày càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, hiện nay các trường phổ thông, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi tình trạng thiếu vắng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu vắng giáo viên chuyên trách, tư vấn hướng nghiệp, giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp, đặc biệt là giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản. Các tư vấn hướng nghiệp vẫn do nhà trường tự tổ chức, phối hợp với các trung tâm giáo dục dạy nghề trên địa bàn hoặc các trường đại học, cao đẳng ở trong khu vực chủ yếu trong mùa tuyển sinh. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp chỉ có 9 tiết/năm học theo chương trình, khó đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của công tác giáo dục nghề nghiệp. Hiệu quả và việc triển khai các đề án ở cấp tỉnh, thành phố còn rất chậm.
Vì thế, đại biểu Nguyễn Bá Sơn kiến nghị: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp khắc phục tình trạng bất cập nói trên. Nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Đặc biệt thông qua việc tích hợp các tiện ích của công nghệ thông tin và khai thác sự tham gia của cộng đồng xã hội".
Về lao động việc làm, thị trường lao động, theo ông Sơn, hiện đang phải chịu tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế, ảnh hưởng của COVID-19, tăng trưởng kinh tế thấp, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản cao, nguồn cung lao động và số lượng lao động có việc làm giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp cao. Vì thế, ông Sơn đề nghị phân tích kỹ hơn về những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch bệnh và tình hình kinh tế - xã hội, xu hướng chuyển đổi loại hình của công việc trong bối cảnh mới. Thực tế cho thấy, đời sống người lao động nói chung đang bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19.
ILO cho biết, những thách thức trong thời kỳ tiền khủng hoảng đối với thanh niên nay đã tăng lên gấp bội lần do đại dịch COVID-19. Nếu không được quan tâm thích đáng, khủng hoảng này có nguy cơ tạo lên một thế hệ bị phong tỏa. Họ sẽ phải gánh chịu những hệ quả gây nên bởi cuộc khủng hoảng sau nhiều năm nữa. Đây có lẽ là một nhận định mang tính cảnh báo, cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong thời gian đến. Dù vẫn còn rất nhiều hy vọng, song chúng ta cần phải nhìn một thực tế rằng thời gian phục hồi kinh tế sẽ khá dài, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Vì thế, ông Sơn cho rằng, cần có chính sách cụ thể hơn đến đội ngũ công nhân, người lao động mất việc hiện nay. Chính sách nào hỗ trợ hiệu quả nhất và việc chuyển đổi ngành nghề ra sao trong thời gian phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch có thể dài hơn 1 năm.