Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đại học lo bị bỏ rơi khi tự chủ

Các trường ĐH được mở rộng tự chủ tài chính, nhân sự, học thuật. Tuy nhiên, có không ít trường ĐH đang lo lắng bị "bỏ rơi", không còn nhận được sự hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là các trường tự chủ, sẽ được mở rộng quyền tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi mới được thông qua. Trong đó, tự chủ về tài chính không phải là cắt hoàn toàn sự hỗ trợ của nhà nước mà là thay đổi phương thức cấp ngân sách theo đơn đặt hàng.

Vừa tự chủ vừa run

Theo PGS-TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một trong 23 cơ sở giáo dục ĐH đang được giao tự chủ tài chính, dù có nhiều tác động tích cực nhưng cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn.

Có những nội dung trường được phép tự chủ nhưng trên thực tế lại không thực hiện được như việc liên kết sử dụng tài sản của nhà trường để phát triển đào tạo khoa học công nghệ. Nguồn ngân sách nhà trường sau tự chủ chủ yếu dựa vào học phí, gây khó khăn trong việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất.

Trong khi đó, với nhóm trường kỹ thuật và công nghệ như ĐH Bách khoa Hà Nội, để đầu tư cho nghiên cứu khoa học và những trang thiết bị hiện đại, đắt tiền thì không thể chỉ dựa vào học phí. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các trường ĐH ngoài công lập cùng các ĐH trong khu vực cũng tạo ra sự cạnh tranh lớn.

Các trường ĐH ngoài công lập có những đầu tư về trả lương, cơ sở vật chất ban đầu cho cán bộ rất tốt, điều này cũng ảnh hưởng đến sự thu hút cán bộ giỏi của các trường ĐH tự chủ. PGS Lê Minh Thắng cho rằng mặc dù nhà trường rất cố gắng nhưng hiện nay các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến vấn đề nghiên cứu phát triển. Nguồn đầu tư từ doanh nghiệp vào nhà trường chưa được mạnh.

Ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thừa nhận hiện nay có tâm lý hơi run ở nhiều trường được giao tự chủ. Để giải tỏa những lo lắng này, ông Việt cho rằng Luật Giáo dục ĐH sửa đổi không có nội dung nào bỏ rơi các trường công lập tự chủ. Chỉ là cách thức sẽ phân bổ về sau này có cơ chế đặt hàng để các trường phải cạnh tranh nhau, kể cả công lập và ngoài công lập đều phải thực hiện cơ chế đó. Các trường ngoài công lập nếu đủ điều kiện vẫn được nhà nước đặt hàng và đầu tư kinh phí như trường công lập.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP HCM - một trong những trường đầu tiên thực hiện tự chủ - trong giờ thực hành. Ảnh: TẤN THẠNH

Có công cụ giám sát học phí

Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - giải thích rằng tự chủ ở đây là đổi mới thêm phương thức phân bổ ngân sách chứ không phải tự lo kinh phí. Giáo dục là lĩnh vực đặc thù, nên việc đầu tư của nhà nước rất quan trọng. Ông Thắng lấy ví dụ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường kỹ thuật khác cần phải có những phòng thí nghiệm đầu tư hàng triệu USD, nếu chỉ trông chờ vào học phí thì không thể đủ để trang trải và đòi có chất lượng cao được. Những vấn đề này cần được nhà nước giao nhiệm vụ. Hoặc vấn đề đào tạo từ xa, nhà nước cần thì nhà nước phải đặt hàng và giao nhiệm vụ. Cơ chế tự chủ gắn với kinh phí, thúc đẩy các cơ sở giáo dục ĐH năng động hơn, cạnh tranh một cách bình đẳng, dựa vào năng lực thực sự của cơ sở đó.

Theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, các cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ chi thường xuyên 100% được tự chủ xác định học phí. Điều này đã đặt ra những lo ngại về việc các trường tự chủ sẽ đồng loạt tăng học phí, gây khó khăn cho người học.

Trấn an những lo lắng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định theo quy định, khi nhà nước không cấp kinh phí, để bảo đảm chất lượng đào tạo, nhà trường xác định học phí phù hợp. Nhưng luật cũng đặt ra nguyên tắc chung là học phí được xác định dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật và sau này.

"Nhà nước có công cụ giám sát các trường trong việc định ra mức học phí hợp lý, phù hợp với chất lượng đào tạo, đồng thời nhà trường phải có trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình, thông báo mức học phí công khai để sinh viên lựa chọn" - Thứ trưởng Phúc lý giải.

Với các cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ chi thường xuyên 100%, việc thu học phí vẫn phải thực hiện theo quy định của Chính phủ, nói cách khác là vẫn có mức trần học phí với các cơ sở ĐH ở những vùng có điều kiện khó khăn, những cơ sở giáo dục ĐH ở các ngành, lĩnh vực khó khăn như văn hóa nghệ thuật, nông, lâm, ngư nghiệp...; bảo đảm sự tiếp cận cho con em vùng khó khăn và những ngành không có điều kiện.

Ông Phúc nhấn mạnh các cơ sở giáo dục ĐH phải trích phần thu của mình vào quỹ học bổng dành cho sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Thực tế hiện nay 23 trường tự chủ đã sử dụng tiền lãi từ nguồn thu của mình gửi ngân hàng để làm quỹ học bổng.

Ngoài ra, nhà nước có chính sách về học bổng, tín dụng cho các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc đối tượng sinh viên có nhu cầu để bảo đảm cho người nghèo, các em có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận với giáo dục ĐH. 

3 thách thức cần vượt qua

Ông Đặng Quang Việt chỉ ra 3 thách thức lớn mà các trường, cả công lập và ngoài công lập, phải vượt qua để có thể nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước, đó là đổi mới năng lực quản trị của nhà trường để làm sao tận dụng hiệu quả nhất các nguồn lực (đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính) để vận hành cho hiệu quả.

Thứ hai, phải giải trình và chịu trách nhiệm trước xã hội, trước các cơ quan quản lý, trước người học. Tự chủ không có nghĩa là làm gì thì làm, tự chủ phải theo khuôn khổ của pháp luật, theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của bộ chuyên ngành, phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra của bộ, quản lý của nhà nước. Thứ ba, các trường phải tự xây dựng thương hiệu. Có thương hiệu thì nhà nước mới đặt hàng đào tạo, tổ chức nghiên cứu khoa học.