Chất lượng lao động thấp - mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2023, số lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Với tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%, có thể thấy chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Đây là dấu hiệu đáng lo ngại của thế hệ lao động tương lai và thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, theo ông Phạm Tấn Công, con số này cho thấy thách thức không nhỏ của thị trường lao động Việt Nam thời điểm hiện nay.
Cùng với việc phục hồi kinh tế, bức tranh quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường lao động cũng có thay đổi lớn. Dưới tác động kép bởi đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi lên hai thách thức lớn.
Đó là, thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số.
Các thay đổi nói trên khiến cho việc khớp nối cung - cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao.
Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19 và các biến động của chính trị quốc tế.
“Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.
Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên thị trường lao động.
Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Khai thác cơ hội vàng
Thời gian qua, mặc dù trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam được cải thiện đáng kể song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với nhiều nước trên thế giới.
Chất lượng lao động thấp sẽ trở thành lực cản đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động, là rào cản hướng tới việc làm năng suất, việc làm bền vững cho lao động.
Ông Andree Mangels, Tổng giám đốc Tập đoàn cung ứng giải pháp nhân sự (ManpowerGroup) Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dòng đầu tư FDI đang có nhiều thay đổi, trong tương lai, nguồn nhân công giá rẻ sẽ không còn là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà chính là yếu tố kỹ năng. Lao động Việt Nam cần cải thiện cả kỹ năng mềm và chuyên môn, để tận dụng cơ hội thu hút những doanh nghiệp nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam…
Người lao động cần có cả kỹ năng số, kỹ năng mềm và yêu cầu về ngoại ngữ. Trong đó, về kỹ năng chuyên môn, người lao động cần không ngừng trau dồi, rèn luyện kỹ năng chuyên môn thông qua nhiều hình thức như: Đào tạo tại chỗ; tham gia các khóa học, hội thảo chuyên môn trực tuyến, trực tiếp; đào tạo vừa học vừa làm…
Theo khảo sát của ManpowerGroup, những kỹ năng mềm được doanh nghiệp mong đợi nhiều nhất ở người lao động gồm: Tính kỷ luật; khả năng thích nghi; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng lập luận và giải quyết vấn đề; khả năng phân tích, đề xuất ý tưởng.
Đối với kỹ năng số, theo ông Andree Mangels, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ, chuyển đổi số ở rất nhiều ngành nghề. Bên cạnh mở ra nhiều cơ hội mới, công nghệ cũng đặt ra những thách thức mới cho người lao động. Những người sở hữu kỹ năng số sẽ có nhiều cơ hội làm việc tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện chưa cao, khoảng 4.000 USD/năm. Vì vậy, bên cạnh việc tăng quy mô dân số, cần tăng năng suất lao động.
Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là một thách thức nhưng tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Tiến cho rằng, để tận dụng thành công thời kỳ cơ cấu dân số vàng cần nhiều yếu tố, đòi hỏi những chính sách phù hợp. Đó là nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.
Đồng thời, cần tăng cường cơ hội việc làm, đặc biệt hướng tới những việc làm mang lại giá trị tăng thêm cao, tăng năng suất lao động; đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên.
Hà Phương
Báo Lao động và xã hội số 46