Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Nhật Bản và đại diện các trường tham gia chương trình xúc tiến hệ thống đánh giá kỹ năng nghề (SESPP) của Nhật Bản tại Việt Nam năm 2019 đã nghe các báo cáo, đồng thời thảo luận về tình hình tổ chức thí điểm đánh giá KNNQG theo tiêu chuẩn Nhật Bản trong thời gian vừa qua.
Chia sẻ về chương trình đánh giá KNNQG theo tiêu chuẩn Nhật Bản, ông Kazami Kotaro – chuyên gia của SESPP cho biết: Đến nay, chương trình đã tổ chức đào tạo đánh giá viên và đánh giá thí điểm KNN theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho 5 nghề: Tiện vạn năng, Phay vạn năng, đo kiểm cơ khí, Lắp cáp mạng thông tin, điều khiển tuần tự ở trình độ bậc 2, 3 NB. Bồi dưỡng, tập huấn phương pháp phát triển chương trình đào tạo, rèn luyện KNN, phương pháp xây dựng đề thi KNN cho một số cán bộ, giáo viên nghề Tiện, Điều khiển tuần tự bậc 2, 3 NB,… Quảng bá truyền thông về hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ KNNQG Việt Nam thông qua các hoạt động của SESPP tới doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Bộ luật Lao động mới được Quốc hội thông qua đã có những quy định cụ thể về xây dựng khung trình độ KNNQG, như vậy việc đánh giá KNNQG đã được luật hóa ở mức độ cao nhất.
Hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu tăng NSLĐ, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm an toàn sức khỏe lao động của hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp, xã hội và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn KNNQG sẽ chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng cho người lao động; Dự báo cung – cầu lao động và kỹ năng tương lai; Thực hiện hướng nghiệp và rút ngắn chương trình đào tạo; Gắn kết tiêu chuẩn kỹ năng với đào tạo và ngành công nghiệp; Hợp tác quốc tế và chuyển dịch lao động.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Trường, từ những kết quả của năm 2019, ngành sẽ đề xuất Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển hệ thống đánh giá KNNQG, làm căn cứ thực hiện các bước cần thiết theo quy định nhằm tăng tính hiệu quả, bền vững của chương trình SESPP. Và đề nghị phía Nhật Bản chuyển giao bộ TCKNNQG của nghề mà dự án đang đánh giá thí điểm ở Việt Nam.