Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã chủ động mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân. Qua đó giúp nhà nông có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó tăng hiệu quả sản xuất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau 10 năm triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo, triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo cho hơn 22 nghìn lao động nông thôn học nghề nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 70% năm 2020, tăng 19,5% so với năm 2015.

Trong đó, giai đoạn 2010 - 2015, hỗ trợ đào tạo cho gần 17.000 lao động nông thôn; giai đoạn 2016 - 2019 và dự kiến năm 2020, hỗ trợ đào tạo cho hơn 5.100 lao động nông thôn học nghề nông nghiệp dưới 3 tháng. 

Nếu như tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 33% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 21%) thì đến năm 2015 đạt 50,5% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 33%) và ước năm 2020 đạt 70% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 46,5%), tăng 19,5% so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra.

Công tác đào tạo nghề đã chú trọng ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất canh tác, lao động khuyết tật và các hộ cận nghèo, lao động khu vực nông thôn. 

Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp được quan tâm đưa vào đào tạo đã gắn với thực tế, thiết thực trong đời sống sản xuất của nông dân.

Thực tế cho thấy, Bắc Giang là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, việc đưa ngành nghề đào tạo phù hợp với bà con có ý nghĩa thiết thực, là một trong những giải pháp góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, các đơn vị được giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện công tác đào tạo nghề ngay từ đầu năm đã khảo sát lựa chọn ngành nghề phù hợp với địa phương, đồng thời có kế hoạch tuyển sinh tại các địa phương một cách cụ thể.

Đặc biệt, đối với người dân vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, để họ tiếp cận được kiến thức về sản xuất nông nghiệp, các đơn vị được giao đào tạo nghề đã chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp, thực hiện tốt công tác tuyển sinh, tổ chức dạy nghề tận hộ, đưa hình thức dạy nghề sinh động, gần gũi với người dân thay bằng người dân phải tìm đến lớp học như trước kia.

Hết năm 2020, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ sẽ kết thúc. Cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đang tập trung đánh giá kết quả, hạn chế sau 10 năm triển khai thực hiện, đồng thời đề xuất các phương án để nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề lao động nông thôn. 

Được biết trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Giang đào tạo nghề nông nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo; rà soát đào tạo những ngành nghề phù hợp dựa trên chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu kinh tế, bảo đảm sát thực.