Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm

Nhờ chủ động nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, bám sát các chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề được giao, năm 2016 huyện Nga Sơn đã tổ chức hàng chục lớp học nghề với tổng số 3.200 học viên tham gia, giải quyết việc làm cho 2.150 lao động, xuất khẩu lao động 220 người…

 

Nhiều năm qua, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT). Công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề và vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất tại địa phương.

Những năm qua, Nga Sơn đã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT gắn với giải quyết việc làm

Ông Nghiêm Xuân Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nga Sơn, cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện đã chủ động rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo; đồng thời, tìm hiểu về nhu cầu học nghề, nhu cầu bồi dưỡng kiến thức của người lao động.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, như: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm ngày công lao động. Sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, người lao động các xã trên địa bàn huyện đã tích lũy được kiến thức, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Nga Hưng, mô hình nuôi lợn theo hình thức trang trại ở xã Nga Thành, Nga Thạch; mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ở xã Nga Tân...

Những mô hình trên không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động mà còn giúp họ có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu với mức thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng lao động- thương binh và xã hội, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động tích cực tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm. Huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Hiện, toàn huyện có 150 doanh nghiệp và 35 HTX, hàng năm các đơn vị đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Điển hình, như: Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Long (Cụm Công nghiệp làng nghề thị trấn Nga Sơn); Công ty TNHH Winners Vina, xã Nga Mỹ; Công ty THHH Chiến Nga, xã Nga Thủy...

Bên cạnh giải quyết việc làm tại chỗ, huyện chú trọng đến công tác đưa lao động địa phương đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Huyện tạo mọi điều kiện về thủ tục vay vốn xuất cảnh, đồng thời tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh dành cho người đi xuất khẩu lao động. Hiện toàn huyện có hơn 500 lao động đi xuất khẩu, tập trung ở các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc...

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết việc làm cho người lao động, Nga Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Tích cực giới thiệu việc làm, tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp; đồng thời, chú trọng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, mở rộng các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ...