Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đẩy mạnh đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 5/12, tại Hà Nội. TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đã có tham luân ” Đẩy mạnh đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước. “ Báo điện tử Dân sinh xin đăng toàn văn tham luân này.

 TS. Trương Anh Dũng Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN  tham luận tại diễn đàn

TS. Trương Anh Dũng Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN tham luận tại diễn đàn

Cuộc suy thoái kinh tế lần này do đại dịch COVID-19, mặc dù không phải là một cuộc suy thoái kinh điển, nhưng có điểm chung so với 8 cuộc suy thoái kinh tế lớn kể từ cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 chính là mức độ sụt giảm nhanh của GDP, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường lao động và việc làm bị tác động và phân hóa mạnh mẽ. Thậm chí, Cục thống kê lao động Mỹ từng dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới  19,4% - mức cao nhất trong lịch sử cận đại.

Trong bối cảnh đó, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người, kêu gọi khu vực công cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc nâng cao kỹ năng nghề cho những người lao động để góp phần phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

Ở phạm vi toàn cầu, báo cáo mới đây của Diễn đàn kinh tế TG cho thấy dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và CMCN 4.0, trong 5 năm tới trên 80% DN gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, và 1 tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc.

Báo cáo trên kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19, bởi 79% DN hiện nay không có khả năng ngân sách cho nhiệm vụ này. Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%, thậm chí nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế coi kỹ năng là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21 bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, nslđ cao hơn và cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%, chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140 còn ở khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Tỷ lệ người lđ được đào tạo trình độ ĐH trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ CĐ trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua đã tăng từ 12% lên 25%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới NSLĐ của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua. Chúng ta sẽ hết cơ hội (hay nói cách khác là HẾT GIỜ) để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Bốn đợt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vừa qua đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng. Tổng cục Thống kê cho biết, quý III/2021 cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2021 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Từ tháng 7 đến giữa tháng 9 vừa qua có tới 1,3 triệu người rời khỏi các thành phố lớn về quê.

Các kịch bản phục hồi và số liệu dự báo thì có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vắc-xin, các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại. Nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động Tp HCM là 21% ĐH - 66% GDNN - 13% chưa qua đào tạo.

Trong khi đó, 1 nghiên cứu mới đây của ManPowerGroup và Việt KHLĐVN cho thấy, 94% DN FDI sẽ ứng dụng công nghệ mới trong 3 năm tới, VCCI thì đưa ra con số 48% lao động cần đào tạo lại trong khi 53% DN trong nước không dự báo được kỹ năng tương lai cho lđ của mình. Khảo sát của ADB cho thấy 68% số cơ sở đào tạo ở VN chưa sẵn sàng với những thay đổi do Covid-19 và CMCN 4.0 đem tới.

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn nước ta cho thấy, để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, nên cạnh tiến độ bao phủ vắc xin và các trụ cột quan trọng như: Phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt; Triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; Nâng cao chất lượng thể chế; Có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đồng bộ, hiệu quả… thì  tiên quyết, quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao - một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới.

Nếu chúng ta tập trung đúng mức vào trụ cột nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ thì “lò xo” tăng năng suất lao động (như 1 vị ĐBQH đã phát biểu tại kỳ họp vừa qua) có thể được kích hoạt và bung ra mạnh mẽ, bởi trong trạng thái bình thường mới, chính kỹ năng lao động sẽ giúp các doanh nghiệp, các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái mà còn đồng thời đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững như trong báo cáo chính và nhiều ý kiến tham luận đã phát biểu sáng nay.

Về giải pháp: Trước mắt, cần cho kéo dài ít nhất 1 năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo NQ 68 của Chính phủ. Thực tế chính sách này sẽ rất khó thành công trong năm nay như dự kiến bởi do tác động của dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động cho phục hồi SXKD nên chưa ưu tiên thời gian cho việc đào tạo người lao động, nhất là phải chạy cho kịp các đơn hàng cuối năm.

Đồng thời, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho HSSV và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ BHTN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 CTMTQG không bao phủ. Bởi thực tế vừa qua, nhiều lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông, kỹ năng chưa đáp ứng được sản xuất đã bị đào thảo, do đó, rất nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm. Chính sách này, sẽ thu hút được lượng lớn lao động đã về quê do mất việc, thất nghiệp…đào tạo họ để họ quay lại các khu công nghiệp, các TP lớn đang thiếu hụt nhân lực trong thời gian ngắn nhất. Chính sách này cũng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề lại ngày tăng cao khi đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam, rồi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng mới...

Về trung hạn và dài hạn, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi mà nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế nên năm nay tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 80% kế hoạch đầu năm; cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác công, tư; gắn kết GDNN với DN và thị trường lao động, bởi đây cũng là thời điểm tốt bởi 1 nghiên cứu mới được trình bày ở Diễn đàn đa phương mới được VCCI tổ chức cho thấy 2/3 doanh nghiệp đã hợp tác với các cơ sở GDNN tỏ ra hài lòng, còn 60% doanh nghiệp chưa hợp tác thì mong muốn hợp tác trong tương lai.

Thực hiện được giải pháp nêu trên cũng chính là thể hiện gắn Chính sách và Cuộc sống, bởi vì cuộc sống ở đây chính là sức sống của nền kinh tế, chính là nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; chính là nhu cầu kỹ năng để có việc làm thỏa đáng và thu nhập tốt, cho cuộc sống tốt đẹp hơn của từng người lao động, và cũng chính là cải thiện năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp và cả quốc gia trong tình hình mới.