Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non: Phụ huynh chưa hưởng ứng

Năm học 2016 - 2017, cả nước có 41/63 tỉnh, thành tổ chức cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh (LQTA) với tổng số trên 192.000 trẻ, đa số từ 5 - 6 tuổi.

 

Việc cho trẻ mầm non LQTA chính thức được Bộ GD&ĐT ra hướng dẫn thực hiện từ năm 2014. Nếu trong năm học 2013 - 2014, cả nước có 21 tỉnh, thành thực hiện thì đến năm học 2016 - 2017, con số này là 41. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng trẻ mầm non tham gia chương trình LQTA nhiều nhất, gần 50% tổng số trẻ tham gia chương trình của cả nước. Tại Hà Nội, số lượng trẻ mầm non tham gia chương trình LQTA là gần 30.000 trẻ. Bên cạnh đó, việc triển khai cho trẻ mầm non học tiếng Anh không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà ngay cả các tỉnh miền núi cũng được triển khai như: Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn…

 

Giờ học tiếng Anh trong trường mầm non.

 

Sau 3 năm triển khai, mặc dù nhận được sự quan tâm của các phụ huynh và đạt những kết quả nhất định, nhưng theo lãnh đạo các địa phương và các trường, vẫn còn rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là đội ngũ giáo viên. Hiện đa số các địa phương đều liên kết với các trung tâm tiếng Anh nhưng giáo viên của trung tâm chỉ đến dạy khoảng 30 - 45 phút rồi về nên học sinh không có nhiều cơ hội giao tiếp. Giáo viên trung tâm giỏi tiếng Anh nhưng lại không có nghiệp vụ sư phạm mầm non - đối tượng vốn có đặc thù riêng về tâm sinh lý.

Vì thế, giáo viên bị hạn chế trong việc lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động. Giáo viên của trường có năng lực sư phạm nhưng lại không đủ năng lực ngoại ngữ, thậm chí lúng túng ngay cả khi chỉ làm trợ giảng. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT chưa có quy định cụ thể về việc ký hợp đồng, tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ ở các trường mầm non.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) thừa nhận, sau 3 năm triển khai cho thấy, hầu hết các trường mầm non đều gặp nhiều rào cản trong việc tạo dựng môi trường và các điều kiện tổ chức như: Hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trình độ đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu, sự hưởng ứng của phụ huynh chưa nhiều.

“Để mở rộng quy mô, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể, đồng thời bổ sung nội dung này vào nhiệm vụ của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”; ban hành quy định về thẩm định tài liệu; các tiêu chuẩn của giáo viên”, ông Minh chia sẻ.

TS. Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết, nghiên cứu về các giai đoạn phát triển của não bộ đã chứng tỏ rằng, học ngoại ngữ ở lứa tuổi nhỏ dễ dàng hơn. Vì đến 12 tuổi, các “cửa sổ” học tập của não đóng lại một phần, kiến trúc nền tảng của não tương đối hoàn chỉnh. Vì thế việc làm quen với tiếng Anh sớm sẽ giúp cho trẻ có khả năng hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên, thay vì phải học một cách bắt buộc, gò bó như khi trẻ lớn hơn hay người lớn. Trẻ học qua chơi, bài hát, bài thơ, câu chuyện nhẹ nhàng…, những hoạt động luôn tạo cho trẻ những cảm xúc tích cực. Điều này giúp trẻ học một cách tự nhiên giống như khi học ngôn ngữ mẹ đẻ.

Trẻ mầm non hoàn toàn có khả năng làm quen thêm ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ, hoạt động cho trẻ LQTA trong trường mầm non có tác động tích cực đến các lĩnh vực phát triển của trẻ như: Ngôn ngữ mẹ đẻ, vận động, tình cảm, nhận thức và kỹ năng xã hội. Việc cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh ngay từ lứa tuổi mầm non là cần thiết, nhằm đẩy mạnh học tập và tăng khả năng giao tiếp.

"Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã thử nghiệm cho trẻ LQTA tại 3 trường mầm non thực hành. Kết quả cho thấy trẻ hào hứng, tích cực tham gia các hoạt động với tiếng Anh và muốn được LQTA", TS Đặng Lộc Thọ cho biết thêm.