Mới đây, vụ 8 học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện do nghịch thuốc lá điện tử trong lớp học giờ nghỉ trưa tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của các loại thuốc lá điện tử đến sức khỏe của trẻ.
Thực tế, việc học sinh hút thuốc lá điện tử phải nhập viện xảy ra tại Trường tiểu học Hoàng Liệt gần đây không phải lần đầu. Hồi đầu tháng 12, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch máu chậm sau khi uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.
Trường hợp nam sinh 12 tuổi ở Hà Nội cũng phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở, co giật, run tay, chân, chóng mặt. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử mà nam sinh này sử dụng gửi đến Viện Pháp y Quốc gia để tìm độc chất. Kết quả cho thấy, mẫu có thành phần của một số chất gây nghiện.
Trước đó, vụ việc 7 nữ sinh lớp 11 Trường THPT Yên Hưng Quảng Yên (Quảng Ninh) mang theo thuốc lá điện tử đến lớp và rủ các bạn hút cùng. Sau đó, cả 7 em đều có biểu hiện chóng mặt, nôn trong lớp và được đưa tới Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên. Công an thị xã Quảng Yên xác nhận, mẫu xét nghiệm đối với 7 nữ sinh đều cho kết quả âm tính với ma túy và các chất kích thích.
Kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13 - 17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,77%. Với học sinh THCS, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 2,15% và 3,1% với học sinh THPT.
Việc học sinh hút thuốc lá điện tử không hiếm nhưng hàng loạt sự việc xảy ra như trên khiến nhiều phụ huynh không khỏi giật mình. Tháng 6/2022, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông.
Theo các chuyên gia và các bác sĩ, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ bị ngộ độc do uống hoặc nuốt dung dịch sử dụng thuốc lá điện tử. Đặc biệt gần đây, tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép. Các chất ma túy này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.
Theo TS, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), để hạn chế tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình, trong đó có phụ huynh là rất quan trọng. Do đó, bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các sinh hoạt của trẻ trên cơ sở tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt; phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường.
PGS, TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, qua các sự việc trẻ bị ngộ độc bởi thuốc lá điện tử thời gian gần đây cho thấy, nhiều phụ huynh còn thiếu kiểm soát con cái. Vấn đề tuyên truyền về các tệ nạn xã hội cần bắt đầu từ sớm và việc thực hiện các quy tắc an toàn trường học cần thực tế chứ không chỉ nằm trên giấy.