Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, Nghị định số 15/2019/NĐ-CP đối với các quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, Bộ xác định một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập tại 3 Nghị định nêu trên và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình; chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 01/2021/NQ-CP, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021 thì việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, Nghị định số 15/2019/NĐ-CP là hết sức cần thiết.
Tại dự thảo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tập trung vào 5 nhóm vấn đề, như sau:
1- Nhóm vấn đề quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ, hình thức gửi hồ sơ đối với việc thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thành lập, cho phép thành lập, chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng; đăng ký, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài:
Đối với nhóm vấn đề này, dự thảo Nghị định đã đề xuất: Bãi bỏ 3 trường hợp phải thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 143/2016/NĐ-CP và Điểm 4 Khoản 9 Điều 5 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP); cắt giảm, đơn giản hóa 17 điều kiện đầu tư kinh doanh (trong đó: Cắt giảm 2 điều kiện; đơn giản hóa 6 điều kiện; bãi bỏ 9 điều kiện).
Bên cạnh đó, đơn giản hóa 40 thành phần hồ sơ của 25 thủ tục hành chính (TTHC); bãi bỏ 20 thành phần hồ sơ của 11 TTHC; đơn giản hóa 18 điều kiện thực hiện TTHC của 14 TTHC; bãi bỏ 19 điều kiện thực hiện TTHC của 14 TTHC; mẫu biểu hóa 34 biểu mẫu trong thành phần hồ sơ của 21 TTHC; sửa đổi, bổ sung 7 biểu mẫu hồ sơ. Đồng thời, quy định cụ thể các hình thức gửi hồ sơ: Trực tuyến; bưu điện; trực tiếp; về trình tự thủ tục: Rút ngắn thời gian giải quyết 13 TTHC.
2- Nhóm vấn đề quy định về đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và hệ thống pháp luật hiện hành, dự thảo Nghị định đã đề xuất bỏ đối tượng áp dụng là cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng; bổ sung đối tượng áp dụng là trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
3- Nhóm vấn đề quy định về cơ chế triển khai thực hiện, tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Để tăng quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, dự thảo Nghị định đề xuất quy định sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” các điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ mới.
Dự thảo Nghị định đề xuất trao thêm quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đã bổ sung quy định về linh hoạt quy mô tuyển sinh (được phép linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm giữa các ngành, nghề đào tạo trong cùng nhóm ngành, nghề).
4- Nhóm vấn đề quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện thủ tục hành chính hướng tới Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, dự thảo Nghị định đã đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính (thực hiện đăng ký/đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hình thức trực tuyến qua dịch vụ công trực tuyến; số hóa toàn bộ hồ sơ tài liệu minh chứng khi thực hiện đăng ký/đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nhiệp với cơ quan có thẩm quyền).
5- Nhóm vấn đề quy định về tăng cường trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công khai kết quả cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm công khai các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp/cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cập nhật dữ liệu về văn bằng giáo dục nghề nghiệp cấp cho người học sau khi tốt nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ sở, tăng cường giám sát của người học và xã hội.
Bên cạnh đó, đề xuất quy định rõ trách nhiệm về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài.