Theo Tờ trình, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, tạo sự công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp; đồng thời để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (năm 2019), Luật Giáo dục năm 2019 về thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế cho Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg là phù hợp và rất cần thiết.
Việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.
Quan điểm xây dựng nghị định là kế thừa quy định còn phù hợp, không có vướng mắc trong thực tiễn của Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01 /TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC; không quy định thêm đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi so với quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg.
Theo Luật Giáo dục 2019, Chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,10 đến 4,89. Với mức phụ cấp 35% thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, cụ thể là: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.