Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Điểm đầu vào ngành Sư phạm thấp: Tương lai thế hệ “trồng người” ra sao?

Việc đầu vào sư phạm thấp khiến nhiều người lo lắng cho chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. Hàng loạt câu hỏi đặt ra rằng liệu lứa sinh viên điểm chuẩn vào ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn có đủ sức “gánh” được những gì mà mục tiêu đổi mới giáo dục đưa ra?

 

Điểm chuẩn bằng điểm sàn ĐH

Trong số các trường đầu ngành đào tạo giáo viên trong cả nước thì chỉ những trường ĐH sư phạm trọng điểm như: Trường ĐH sư phạm Hà Nội và sư phạm TP. Hồ Chí Minh có điểm trúng tuyển dao động ở mức từ 17 - 20 điểm,  hầu hết các trường sư phạm còn lại điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Thậm chí, ở khối trường cao đẳng sư phạm địa phương, nhiều trường có mức trúng tuyển là 9 - 10 điểm, đã bao gồm điểm cộng. Như vậy, thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển.

Nằm trong số 7 trường ĐH được đặt hàng xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng giáo viên phổ thông thế nhưng điểm chuẩn của nhiều ngành sư phạm của trường ĐH Vinh (Nghệ An) thấp kỷ lục. Ngoài một số ngành học là sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục thể chất có điểm chuẩn từ 20 - 27 điểm, tất cả các ngành sư phạm còn lại đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm. Tương tự, nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH sư phạm Huế năm nay cũng lấy điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn, trong đó có ngành sư phạm văn. Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) cũng lấy chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ ĐH gồm giáo dục mầm non, tiểu học, sư phạm Toán, Sinh là 15,5 điểm…

 

Những thầy cô giỏi sẽ đào tạo được những học trò giỏi.


Những năm trước các ngành Sư phạm Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh luôn có điểm chuẩn cao, vì được coi là ngành “hot” của trường ĐH sư phạm Thái Nguyên nhưng năm nay cũng chỉ lấy 15,5 điểm. ĐH sư phạm Hà Nội 2 tại Vĩnh Phúc năm nay tuyển 13 ngành sư phạm thì có 4 ngành có điểm trúng tuyển từ 19 trở xuống... Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), 8/10 ngành đào tạo sư phạm có mức trúng tuyển bằng điểm sàn. Nhiều trường công lập ở vùng miền như ĐH Tây Nguyên, trường ĐH An Giang điểm trúng tuyển ngành sư phạm cũng rất thấp.

Đầu vào thấp - Khó tạo ra “sản phẩm” chất lượng cao

GS.TS Đinh Quang Báo nguyên hiệu trưởng trường ĐH sư phạm Hà Nội cho rằng, "mọi sự thành công của nền giáo dục của một quốc gia phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải giỏi thì chất lượng giáo dục của quốc gia ấy mới tốt được". Theo GS Đinh Quang Báo, giáo viên muốn có chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng nhất là đào tạo và bồi dưỡng. Muốn đào tạo bồi dưỡng tốt thì đầu vào phải chất lượng phải cao. Chất lượng đào tạo đầu vào không cao thì đào tạo ra sản phẩm không bao giờ cao.

"Nếu điểm sàn vào trường sư phạm thấp như vậy thì chúng ta phải có đột phá về chính sách. Đó là kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển. Ví dụ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore... Các nước có nền giáo dục phát triển này đã rút ra một kinh nghiệm xương máu là phải đầu tư vào giáo viên. Để chọn được người giỏi nhất phổ thông thì phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng", GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ngành Sư phạm phải tập trung những nhà khoa học giỏi vào giảng dạy. Đặc biệt, các trường sư phạm phải đi đầu trong các công nghệ. Sư phạm cần phải có đổi mới quyết liệt về chương trình, chính sách và phải có đầu tư thích đáng. Do đó, phải có chính sách khác đối với Sư phạm. Đặc biệt, đối với chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc đào tạo giáo viên phải đi trước một bước. Đào tạo giáo viên chương trình nào thì ra dạy chương trình đó thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Hiện là ủy viên hội đồng quốc gia và phát triển nhân lực, đang tham gia việc soạn các chương trình về sinh học và chuẩn bị cho việc mở rộng sách giáo khoa, GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho biết, sắp tới chương trình sách giáo khoa đổi mới rất nhiều, bởi vì nó tích hợp và coi như thay đổi hoàn toàn chương trình của tất cả các cấp. Vì vậy rất khó khăn cho giáo viên, đòi hỏi không những giáo viên phải hiểu về chuyên môn của mình mà phải hiểu rộng hơn để phát triển cái tích hợp sang các khía cạnh khác. Ví như về sinh học phải tích hợp sang biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, bảo vệ sức khỏe, chống ô nhiễm… nên đòi hỏi trình độ ở người giáo viên phải rất cao. Sự lo ngại ở đây là nếu sinh viên sư phạm đầu vào thấp thì đầu ra không thể cao được như dư luận trước đây thường nói rằng “chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”…

 

Cần chính sách hấp dẫn cho ngành Sư phạm

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong ngành Sư phạm, những nơi lấy điểm chuẩn thấp là các trường địa phương, cao đẳng. Còn các trường ĐH lớn vẫn có điểm chuẩn rất cao, điều này thuộc về yếu tố ngành và vùng miền buộc chúng ta phải chấp nhận và là bài toán cần nhiều người chung tay để giải quyết cùng ngành giáo dục. Nếu không có chính sách thu hút, ngành Sư phạm không hấp dẫn. Trước đây từng có tình trạng học sinh quay lưng với ngành này, chúng ta có chính sách miễn giảm học phí. Trong điều kiện lúc đó, chính sách này đã thu hút được thí sinh giỏi. Hiện nay, học phí không còn là khó khăn của đa số học sinh, chính sách này không phát huy được tác dụng. Ngành Sư phạm có chính sách ưu đãi nghề, thâm niên… nhưng có lẽ không đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành khác.

Vấn đề riêng của ngành Sư phạm là chúng ta cần chính sách hấp dẫn người học chứ không cần điểm sàn. Chúng ta cần thay đổi đồng bộ chính sách không chỉ cho sinh viên Sư phạm mà cho cả giáo viên. "Chúng tôi cũng rất “đau đầu” khi ngành Sư phạm không có sức cạnh tranh. Đó là bài toán cần nhiều người chung tay để giải quyết cùng với ngành giáo dục", bà Nguyễn Thị Kim Phụng bày tỏ.