Theo Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động gắn kết đào tạo với doanh nghiệp ngày càng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu.
Giáo dục nghề nghiệp thu hút được nhiều doanh nghiệp đồng hành phát triển, từ đó doanh nghiệp tham gia ngày càng sâu hơn vào quá trình đào tạo, từ khâu phát triển chương trình, tham gia đào tạo; thi, kiểm tra đánh giá, tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp.

Nhiều cơ sở GDNN đạt gần 100% sinh viên ra trường có việc làm, thu nhập cao
Thống kê cho thấy, đến nay, trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nghề đạt tỷ lệ 100% sinh viên ra trường có việc làm với mức thu nhập cao.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã tạo dựng các cơ sở đào tạo cho riêng mình, chủ động nhân lực. Điều này cho thấy, doanh nghiệp ngày càng tích cực tham gia đào tạo để chủ động nguồn nhân lực lâu dài cho bản thân mình.
Đánh giá về phương thức doanh nghiệp liên kết nhà trường đào tạo nguồn nhân lực, Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tân Long cho biết: "Với một doanh nghiệp hướng đến phát triển công nghệ cao như Tân Long, việc tìm kiếm một cơ sở đào tạo có thể cung cấp và đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng".
Ông cho hay, ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo với Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam thời gian qua là một điển hình, nhờ vậy Tập đoàn chủ động nguồn nhân lực có trình độ, tiết kiệm được chi phí và thời gian đào tạo, mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp khẳng định, phương thức doanh nghiệp đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực hay mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Nắm bắt xu thế đó, ngày 29/7, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã triển khai “bắt tay” với các doanh nghiệp để mở ra hàng ngàn cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo.

Doanh nghiệp cần hơn 5 nghìn vị trí việc làm qua đào tạo
Theo ông Trương Sỹ Bá, hiện nay, nhu cầu nhân sự hàng năm của tập đoàn Tân Long cho ngành chăn nuôi heo công nghệ cao và sản xuất lúa gạo dao động 1.500-2.000 người, đặc biệt là doanh nghiệp này rất “khát” nguồn lao động đã qua đào tạo. Vì thế, nguồn “cung” của trường Trung cấp Nông dân Việt Nam và “cầu” của Tập đoàn Tân Long hoàn toàn phù hợp.
Hay như ông Nguyễn Văn Động, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ HATO chia sẻ, là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, du học. Những năm qua, công ty đã đưa hàng ngàn lao động qua đào tạo sang Nhật Bản làm việc.
“Trung bình mỗi năm cần 500 lao động qua đào tạo sang Nhật Bản làm việc. Việc hợp tác với trường Trung cấp Nông dân Việt Nam, công ty hi vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho con em nông dân, nông thôn”, ông Động nói.
Cũng nói thêm về nhu cầu tuyển dụng, các doanh nghiệp khác cho hay, mỗi công ty hàng năm cần đặt hàng từ 500-600 nhân sự qua đào tạo.
Chia sẻ về vấn đề đào tạo nghề, bà Bùi Thị Nguyên, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết, hàng năm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở trình độ trung cấp, sơ cấp và thường xuyên cho lao động nông thôn và nông dân.
Các em sinh viên trong lĩnh vực này ngày càng đòi hỏi phải có kiến thức gắn liền với thực tiễn, có như vậy dào tạo nghề liên quan nông nghiệp mới hỗ trợ tích cực giải quyết việc làm cho nông dân.
Vì thế, những năm qua, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam nhấn mạnh, chương trình hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong đào tạo là hướng đi đúng, tất yếu, góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.