Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Độc đáo phường rối nước cổ ở miền Bắc

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tiếng trống, tiếng mõ rộn rã thúc giục từng hồi, những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục vang lên, từng con rối thoắt ẩn thoắt hiện tài tình trên mặt nước.

Dưới mái thủy đình ngói đỏ cong cong, múa rối nước chính là kho tàng lưu giữ nét văn hóa dân gian Bắc bộ, là hiện thân sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần của những làng quê vùng đồng bằng sông Hồng.

Với người dân thôn Bàn Thạch (còn gọi là làng Rạch), xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định, nghệ thuật múa rối nước đã trở thành niềm tự hào và là món ăn tinh thần từ bao đời nay.

Thổi hồn vào “nhân vật”

Độc đáo phường rối nước cổ ở miền Bắc - 1
Người dân thôn Bàn Thạch háo hức mong chờ các tiết mục rối nước trong đêm hội làng.

Các cụ cao niên trong làng truyền kể, năm 1755, cụ Mai Văn Kha làm nghề thợ chạm đứng ra tập hợp những người biết múa rối trong thôn lập nên phường rối nước, khi ấy gọi là phường rối Nam Chấn (làng Rạch trước kia được gọi là vùng Nam Chấn). Sẵn nghề tạc tượng, sơn mài, người dân đã tự tạo nên các con trò như: Chú Tễu, tiên nữ, con rối long, ly, quy, phượng…

Người dân làng Rạch vẫn truyền cho các con cháu về cụ Phạm Văn Trúc - một trong những người tạc con trò đẹp và nghĩ ra nhiều trò hay; cụ Phạm Văn Nhượng là người soạn tích và đặt câu hát hay... 

Nghệ nhân Phan Tiến Hữu, Trưởng đoàn rối nước Bàn Thạch được giao nhiệm vụ trông nom kho rối cổ nằm bên thủy đình. Kho rối lên tới cả ngàn nhân vật mà ông Hữu có thể kể tên, nêu tích trò thậm chí nhớ luôn niên đại của từng nhân vật. Ông cho hay, không biết chính xác tổng số con rối trong kho bởi chưa từng thống kê cụ thể và chắc chắn không ai dám “tơ hào” gì ở đây.

Theo các cụ đời trước truyền lại, cứ đến dịp lễ hội, rối ở trong kho lại được đem ra diễn ngoài thủy đình. Con nào hỏng thì sửa, con nào bị mối xông mục tới mức không sửa được, các cụ sẽ đem vào cẩn báo Thành hoàng rồi sau đó làm lễ hóa.

Cũng bởi “tính” thiêng ấy mà trong mái kho xộc xệch, cũ kỹ vẫn còn những con rối có tuổi đời hàng trăm năm. Màu sơn tuy có bạc, nhiều chi tiết đã sứt mẻ, bị bào mòn bởi thời gian song những đường nét đục, chạm vẫn vô cùng mềm mại, tinh tế… 

Các con rối được đục đẽo đường nét cách điệu rồi mới gọt giũa, đánh bóng và trang trí nhiều màu sơn khác nhau nhằm tạo tính cách cho từng nhân vật. Nghệ nhân múa rối Phan Văn Mạnh là một trong số ít người trong làng Rạch vừa biểu diễn múa rối, vừa trực tiếp chế tác các con rối.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống 7 đời làm nghề rối nước, với sự chỉ dẫn của cha và năng khiếu bẩm sinh cùng niềm đam mê, nghệ nhân Phan Văn Mạnh chế tác ra nhiều con rối.  

Độc đáo phường rối nước cổ ở miền Bắc - 2
Nghệ nhân Phan Tiến Hữu người được giao trông nom kho rối cổ của làng.

“Quân rối nước là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, vừa giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc, trữ tình. Để làm ra được những quân rối, phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của những người làm nghề. Nét độc đáo của quân rối Nam Chấn là được làm từ gỗ sung và sơn ta, dễ điều khiển dưới nước”, nghệ nhân Phan Văn Mạnh cho biết. 

Để làm một quân rối hoàn chỉnh phải trải qua 8 công đoạn: Tạo mẫu, sấy, hom, mài, sơn lót, sơn cầm, thếp bạc, phủ màu. Mỗi bước sơn cách nhau 5 ngày. Cuối cùng là gọt giũa, đánh bóng và trang trí. Những quân rối nước thường được sử dụng trong buổi biểu diễn có chú Tễu, cô tiên, người đi cày hay người đánh cá...

Trong đó, nhân vật tiêu biểu nhất là chú Tễu, thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh biểu tượng cho sự vui tươi, lạc quan của người nông dân trong lao động sản xuất.

Muốn rối cử động mềm mại khi biểu diễn còn phụ thuộc vào kỹ thuật lắp máy, dây điều khiển quân rối.

Máy điều khiển rối nước được chia làm hai loại cơ bản: máy sào và máy dây có nhiệm vụ di chuyển quân rối và tạo hành động cho nhân vật. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, các nghệ nhân làng Rạch còn chế tác nhiều con rối nhỏ để làm quà lưu niệm cho khách đến xem biểu diễn. 

Gắn với phát triển du lịch

Trước đây, phường rối làng Rạch thường biểu diễn ở ao làng. Người dân lấy ao làng làm nơi luyện tập và đặt buồng trò biểu diễn múa rối mua vui cho dân làng mỗi dịp lễ hội.

Cứ mỗi khi phường rối biểu diễn, mọi người từ già, trẻ, gái, trai lại gọi nhau đi xem khiến cho không khí làng quê nhộn nhịp hơn thường lệ. Buồng trò được làm bằng tre nứa, mành che là vải xanh thêu bốn chữ “Quốc trung hữu Thánh”, tức là "trung với nước và cung phụng Thánh".

Hàng năm, cứ đến ngày 16 tháng Giêng mở hội làng, làng lại tổ chức biểu diễn múa rối tôn vinh công đức Thành hoàng làng, cũng là dịp nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn những vị tổ nghề. 

Năm 1987, làng đã xây dựng được ngôi thủy đình rộng hơn 2.000m2 để thuận tiện cho việc biểu diễn.

Thủy đình được xây dựng đối diện đình làng Rạch. Nét độc đáo của thủy đình là cột, sà đều bằng gỗ lim đen bóng, tám mái lợp ngói nam rêu phong cổ kính, tám mũi đao thủy đình đắp hình rồng đang phun nước, ngụ ý nước trời tắm mát cho tâm hồn các nghệ nhân múa rối nước và làm cho nước hồ không bao giờ vơi cạn. 

Bên cạnh thủy đình là nhà trưng bày và bảo quản các con trò. Khách tham quan có thể tận mắt nhìn những sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân. Sau khi tham quan làng nghề, du khách sẽ có dịp thưởng thức biểu diễn múa rối nước.

Độc đáo phường rối nước cổ ở miền Bắc - 3
Khách du lịch trải nghiệm quy trình làm rối nước và mua làm quà lưu niệm.

Dưới bàn tay khéo léo điều khiển của người làng Rạch, những vũ điệu rối bật lên từ mặt nước sinh động như được thổi hồn. Người dân làng Rạch vốn đã quen lao động ở vùng chiêm trũng lại khéo khai thác tính động của nước hỗ trợ cho quân rối trở nên tinh tế, xóa đi sự thô cứng của gỗ, tạo nên màn diễn rối tưng bừng, náo nhiệt.

Cũng như những phường rối khác, nội dung trò diễn rối của làng Rạch chủ yếu tái tạo những sinh hoạt nông nghiệp và đời sống văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc bộ.

Những hình ảnh cày cấy, chăn nuôi, săn bắt, dệt vải hay những hoạt động hội hè như: Rước sách, chọi trâu, đánh đu hoặc những trò ca ngợi tín ngưỡng vật linh múa rồng, múa lân… được các nghệ nhân tái hiện thuần thục, điêu luyện, tạo sức lôi cuốn người xem.

Các phường rối làng Rạch hiện có gần 1.000 con trò biểu diễn hơn 40 tích trò khác nhau. Những nông dân - nghệ nhân múa rối làng Rạch đã đưa môn nghệ thuật của cha ông ra khỏi lũy tre làng, biểu diễn phục vụ các đại biểu Quốc hội; biểu diễn ở Pháp, Ý; biểu diễn chào mừng Đại hội IX của Đảng tại Công viên nước Hồ Tây - Hà Nội ...

Theo thời gian, nghề rối nước làng Rạch có lúc tưởng chừng bị mai một. Nhưng rồi, sức sống mạnh mẽ tiềm ẩn trong môn nghệ thuật này một lần nữa lại được những người con làng Rạch phát huy với nhiều tích trò được phục dựng, cải tiến, tạo nên các tiết mục hấp dẫn như: Lê Lợi khởi nghĩa, Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Trưng Trắc - Trưng Nhị, cưỡi cá dâng hoa, xay thóc giã gạo…

Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ngày nay, phường rối nước làng Rạch đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong việc bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống. Bên cạnh với việc lưu diễn, các phường rối đã giới thiệu, quảng bá nét văn hóa của địa phương tới du khách. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã tìm đến làng Rạch để tìm hiểu sâu hơn về môn nghệ thuật này.

Việc diễn rối và có thu nhập từ múa rối không chỉ là tín hiệu vui cho người dân làng Rạch mà còn là cơ hội cho du lịch làng nghề của địa phương. Tuy nhiên, múa rối làng Rạch có nguy cơ không có thế hệ kế cận để lưu truyền nghề. Làng Rạch có gần 1.000 dân nhưng chỉ khoảng 40 người biết múa rối. Những người này thường ở độ tuổi trung niên hoặc cao niên.

Dù ngày nay, nguyên tắc giữ bí truyền và không kết nạp nữ giới của làng đã phá bỏ, thay vào đó, những ai yêu thích, mong muốn học múa rối đều được các nghệ nhân trong làng chỉ dạy nhưng rất ít người thực sự muốn học nghề. Thanh niên trong làng chỉ khi chưa tìm được việc làm mới vào phường rối. Khi có công việc, thu nhập cao hơn họ lại xin ra khỏi phường rối. 

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục tỉnh Nam Định phối hợp với các phường múa rối làng Rạch thực hiện chương trình đưa nghệ thuật múa rối nước vào học đường.

Năm 2023, UBND xã Hồng Quang đã hỗ trợ 200 triệu đồng để tôn tạo thủy đình; đồng thời, tạo mọi điều kiện giúp các phường rối tham gia biểu diễn phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài xã, giúp duy trì hoạt động bảo tồn văn hóa lâu đời.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 2