Tốt nghiệp THPT và thi đỗ đại học là mục tiêu của hầu hết học sinh lớp 12 cũng như các bậc cha mẹ. Chính vì lẽ đó, cha mẹ luôn kỳ vọng vào con em mình. Còn học sinh thì chịu nhiều áp lực để đạt được kỳ vọng của cha mẹ.
Việc chọn ngành nghề của không ít học sinh vấp phải sự ngăn cản của cha mẹ; nhiều em bị cha mẹ bắt học ngành mà mình không yêu thích, không đam mê nên học được một thời gian cảm thấy chán nản, thậm chí có em bỏ học.
Thực tế cho thấy, một số cha mẹ muốn con cái học ngành nghề theo ý mình để quản lý cơ nghiệp gia đình, muốn con học ngành mà mình đã “đặt chỗ sẵn”… Do đó, không khỏi xảy ra bất đồng giữa cha mẹ và con cái trong việc chọn ngành nghề, chọn trường. Việc chọn không đúng nghề là một sự lãng phí, không chỉ cho học sinh mà cả nguồn lực xã hội.
Tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp "Cùng con bước vào tương lai" được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, GS, TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cha mẹ không thể sống thay con mãi. Hành trình để con thành công và hạnh phúc phải là bước đi, là sự lựa chọn, quyết tâm, ý chí, nghị lực của con. Xã hội ngày nay, các con thông minh hơn cha mẹ nghĩ, do đó hãy lắng lại để hiểu con mình hơn; nên đặt mình vào vị trí của con để giảm thiểu sự xung đột, sự khác biệt giữa mình và con cái trong suy nghĩ, trong lựa chọn và định hướng giá trị nghề nghiệp.
Theo GS, TS Huỳnh Văn Sơn, sự phân bố lao động trong xã hội ngày càng có sự thay đổi. Có phụ huynh định hướng cho con một nghề ổn định, không quá nhiều thách thức, an toàn tương đối… nhưng con lại muốn trở thành một công dân toàn cầu, muốn có sự chuyển dịch trong tư duy, kể cả trong nghề nghiệp, muốn có sự thách thức... Đây chính là điểm lớn nhất tạo ra sự mâu thuẫn trong tư duy giữa cha mẹ và con cái.
Thay vì không lắng nghe con, không đặt vào vị trí của con, cha mẹ nên bình tĩnh tạo cơ hội cho con trải nghiệm và minh chứng cho mình bằng những luận cứ cảm thấy có thể thuyết phục; cần đồng hành cùng con để về ngành nghề mà con lựa chọn, hiểu về công việc và những cơ hội, thách thức.
"Các bậc phụ huynh hãy tôn trọng con bằng sự đồng cảm về tâm lý chứ không phải là sự ép buộc, càng không phải là sự tính toán từ ý chủ quan của cha mẹ. Bởi, cha mẹ hiểu con khá nhiều nhưng chưa chắc đủ để quyết định thay con vào đời, con thành công và hạnh phúc”, GS, TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), ngành nào, trường nào mà con thích nhất thì nên ưu tiên chọn nguyện vọng. Tất cả đều tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh đăng ký, việc khó là các trường đang gánh chứ không phải thí sinh nên phụ huynh yên tâm trong việc xét tuyển nguyện vọng của con.
Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường tổ chức kỳ tuyển sinh riêng hoặc xét tuyển sớm. Thí sinh và phụ huynh theo dõi thông tin xét tuyển của các trường để biết thời gian, thủ tục. Xét tuyển sớm tăng thêm cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, bà Thủy cho biết, Bộ GD&ĐT không khuyến khích việc xét tuyển sớm.