*Ông có thể chia sẻ về việc nhà trường đã đầu tư hạ tầng và nhân lực thế nào để triển khai đào tạo nghề trực tuyến?
- Trường CĐ Cơ điện Hà Nội đã chuẩn bị đào tạo E-Learning trong 3 năm một cách bài bản và đồng bộ. Thứ nhất, trường chuẩn bị công nghệ để xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến có tính mở và thông dụng trên thế giới. Hệ thống này được thiết lập như một nhà trường có quản trị, số hóa từ Ban giám hiệu đến các phòng khoa tới giảng viên, lớp học và sinh viên (SV). Khi giải quyết được bài toán công nghệ, chúng tôi mời một DN đủ tầm cùng xây dựng hệ thống đào tạo vừa thử nghiệm cho từng hoạt động, đến thời điểm này đã thành công.
Tiếp đến, để giảng viên làm chủ công nghệ, chúng tôi tổ chức đào tạo những kỹ năng và vận hành quản trị lớp học trực tuyến. SV cũng được tập huấn để biết cách học trực tuyến, thảo luận nhóm, làm bài kiểm tra. Trước mỗi buổi học, SV được giáo viên gửi trước tài liệu bản mềm để chuẩn bị các nội dung. Công nghệ lưu trữ và đường truyền phải bảo đảm 1 ngày dạy 3 ca với 90 lớp học. Về dữ liệu, chúng tôi sử dụng công nghệ đám mây (iCloud) và đầu tư máy chủ riêng (server) để quản lý và bảo mật thông tin.
*Hiện nhà trường triển khai đào tạo trực tuyến ở những nội dung nào?
- Chúng tôi áp dụng đào tạo trực tuyến ở 3 nội dung: Tất cả các môn học chung (Chính trị, Pháp luật...); những môn học cơ bản của các ngành nghề; Tiếng Anh, Tin học và lý thuyết chuyên môn của các nội dung học nghề.
Khi hết dịch Covid-19, SV quay trở lại trường, chúng tôi sẽ kiểm tra đánh giá lại trước khi chuyển sang học thực hành và đưa đến DN trải nghiệm. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho những nội dung này đảm bảo chất lượng, nhà trường đưa ra các kịch bản tác động của đào tạo nghề trực tuyến có thế mạnh và hạn chế gì để từ đó quản trị.
*Có những khó khăn gì khi học nghề trực tuyến?
- Đào tạo trực tuyến ở trường CĐ Cơ điện Hà Nội về cơ bản giải quyết được tất cả khâu quản lý đào tạo và quản trị những nội dung dạy học lý thuyết. Nguồn tài nguyên của nhà trường sẽ được giàu lên bởi từng ngày các học liệu của giảng viên được số hóa, lưu trữ tại cơ sở dữ liệu.
Đến thời điểm này, đào tạo trực tuyến sẽ đưa trường CĐ Cơ điện Hà Nội thành mô hình trường học không biên giới. Chúng tôi có thể mời giảng viên nước ngoài cùng tham gia giảng dạy trực tuyến môn Tiếng Anh... Công nghệ này cũng giúp giáo viên trong việc tổ chức đào tạo, sản xuất học liệu và cập nhật nâng cao.
*Trong tương lai, khi hết dịch, đào tạo trực tuyến sẽ được trường sử dụng như thế nào?
- Cùng với việc triển khai giảng dạy trực tuyến, trường cũng chuẩn bị các kịch bản để đánh giá đào tạo trực tuyến mạnh ở điểm gì và hạn chế ở điểm gì để có điều chỉnh phù hợp với việc học và dạy của trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc đào tạo trực tuyến và trở thành một ngôi trường thứ 2 trên môi trường không gian mạng. Theo đó, các môn học chung sẽ đào tạo trên hệ thống E-Learning nhằm giúp sinh viên ban ngày học tập ở doanh nghiệp, tối về học online; giúp những người đang đi làm ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia học tập. Thứ nữa là mở những lớp ngắn hạn để bổ sung kiến thức lý thuyết, trừ các môn cần có sự thực hành và cảm nhận bằng các giác quan khác, trường sẽ đưa xuống giảng dạy trực tiếp ở các phòng học đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại.
*Làm thế nào để đánh giá được tác động của hệ thống E - Learning đối với các học sinh, thưa ông?
- Hiện hệ thống của chúng tôi có công nghệ kiểm tra đánh giá sinh viên. Mỗi ngày, phần mềm sẽ báo cáo cho hiệu trưởng về số lượng sinh viên tham gia học. Thầy cô, học trò đi muộn, về sớm đều có báo cáo. Phần mềm cũng có ứng dụng hỗ trợ thầy cô giao lưu với sinh viên, tổ chức hoạt động nhóm và phát biểu như trên lớp bình thường. Bên cạnh đó, hệ thống có đầy đủ chức năng thi và đánh giá, thầy cô có thể đưa các câu hỏi vào ngân hàng đề thi, phần mềm cũng có chức năng tráo đề thi và các thầy cô chấm điểm như bình thường.
Trân trọng cảm ơn ông!