Ngày 28/11, tại Trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp ngài Boris Rhein, Thủ hiến bang Hessen (CHLB Đức) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, hai bên tập trung trao đổi về đẩy mạnh hợp tác song phương trong đào tạo nghề và tuyển dụng lao động có tay nghề, cho cả thị trường lao động Việt Nam và bang Hessen.
Tổ chức “Diễn đàn Lao động Việt Nam-Đức” tháng 4/2025 tại CHLB Đức
Bày tỏ vui mừng được đón tiếp ngài Boris Rhein, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, CHLB Đức là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu nói chung và của Bộ LĐ-TB&XH nói riêng.
Nhìn nhận, trong những năm qua, hợp tác về lao động, giáo dục nghề nghiệp giữa hai nước đạt những kết quả tích cực, Bộ trưởng không quên nhắc đến sự kiện đáng mong chờ vào năm 2025, hai nước sẽ tiến hành kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác.
Trong tổng hòa sự kiện lớn đó, sẽ có sự kiện đáng mong chờ mà Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội CHLB Đức đã thống nhất tổ chức Diễn đàn Lao động Việt Nam - Đức vào tháng 4/2025 ngay tại Đức - quốc gia được mệnh danh là “trái tim của Châu Âu”.
Đề cập về hợp tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng CHLB Đức là một trong những đối tác truyền thống và chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đánh giá cao chất lượng của mô hình đào tạo kép của CHLB Đức mang lại lợi ích cho các học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết, Bộ LĐ-TB&XH luôn sẵn sàng hợp tác với bang Hessen trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, và Bộ sẽ lựa chọn những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có sức khỏe tốt, ý thức kỷ luật cao, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của phía CHLB Đức.
Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh
Cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp đoàn, ngài Boris Rhein khẳng định hai bên có nhiều tiềm năng để tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và bang Hessen có thế mạnh.
Vị Thủ hiến khẳng định, bang Hessen và Việt Nam gắn kết với nhau bằng tình hữu nghị đặc biệt, nằm trong khuôn khổ hợp tác được ưu tiên kể từ năm 2012.
Điều này được minh chứng rõ nét thông qua sự vận hành hiệu quả và thành công của Trường Đại học Việt - Đức, nơi đã và đang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Từ đó, ngài Boris Rhein mong muốn giữa Bộ LĐ-TB&XH và bang Hessen đẩy mạnh hợp tác song phương trong đào tạo nghề và tuyển dụng lao động có tay nghề trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đáp lời, Bộ trưởng thông tin thêm, Việt Nam tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.
Do đó, ông mong muốn bang Hessen hợp tác, hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và điển hình thành công trong công tác giáo dục nghề nghiệp của bang Hessen, đặc biệt là mô hình đào tạo nghề kép.
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị bang Hessen hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho giảng viên/giáo viên giáo dục nghề nghiệp; tiếp nhận, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp đủ điều kiện vào làm việc tại các doanh nghiệp của Đức…
“Hợp tác này không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho bang Hessen, vì lao động sau khi được đào tạo tại Việt Nam có thể sang làm việc tại Hessen, giúp giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại bang này”, ông Dung nhấn mạnh.
Hầu hết các ngành công nghiệp tại Hessen đang thiếu hụt lao động
Về hợp tác lao động, nhắc lại chuyến thăm của Tổng thống CHLB Đức Frank - Walter Steinmeier hồi đầu năm đến Việt Nam, lãnh đạo hai nước chỉ ký một biên bản ghi nhớ (MOU) duy nhất. Đó là thỏa thuận hợp tác giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức trong lĩnh vực lao động - việc làm.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam với dân số trẻ trên 100 triệu người, lao động cần cù, chăm chỉ, tuy nhiên gặp “vướng” khi muốn sang CHLB Đức làm việc nhưng khó đi được vì điều kiện tuyển dụng phía Đức đặt ra rất khắt khe, đặc biệt là yêu cầu cao về ngôn ngữ.
“Đây là rào cản lớn đối với lao động nước ngoài nói chung, trong đó có lao động Việt Nam", Bộ trưởng khuyến nghị phía CHLB Đức nói chung và bang Hessen nói riêng hạ tiêu chí về ngoại ngữ trong tuyển chọn lao động.
Để hợp tác đi vào thực chất, Bộ trưởng đề nghị hai bên thành lập nhóm công tác để trao đổi về quy định pháp luật và cách thức triển khai cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt đi làm việc tại bang Hessen, cũng như nội dung hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Tán thành với ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ hiến Boris Rhein đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa bang Hessen với Việt Nam, đặc biệt là với Bộ LĐ-TB&XH.
Ngài Boris Rhein cho biết, trong chuyến thăm lần này, đoàn của bang Hessen có sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp, điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của bang đối với Việt Nam.
“Hầu hết các ngành công nghiệp tại Hessen đang thiếu hụt lao động, từ công nghiệp dược, công nghiệp hóa chất, chế tạo ô tô… Vì vậy, lĩnh vực cần lao động rất rộng, không chỉ là những người sang CHLB Đức học đại học, mà còn cả những người lao động nước ngoài sang học nghề”, vị Thủ hiến thông tin.
“Chúng tôi có một hệ thống đào tạo nghề rất hiệu quả và luôn sẵn sàng chào đón các bạn trẻ Việt Nam sang học nghề", ngài Boris Rhein nhấn mạnh thêm.
Bang Hessen là trung tâm kinh tế lớn của CHLB Đức, có thế mạnh về các lĩnh vực như: ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm, chế tạo máy, sản xuất ô tô, cơ khí… Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động do già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm đang là một trong những thách thức để duy trì sự phát triển kinh tế của bang Hessen. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai đào tạo thí điểm 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ CHLB Đức ở 45 trường cao đẳng. Việt Nam có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 1.996 trường cao đẳng và trung cấp nghề, với quy mô tuyển sinh hàng năm khoảng 2 triệu người, đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước. Đây là triển vọng lớn hợp tác về lao động giữa Việt Nam và bang Hessen nói riêng và với CHLB Đức nói chung. |