Mưu sinh trên từng con phố
Gần 20 năm nay, đều đặn mỗi sớm tinh mơ, bà Trần Thị Hằng, (70 tuổi, quê Hưng Yên) có mặt trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội) với gánh hàng hoa quả đủ loại nhập từ chợ Long Biên.
Trong tiết trời thu se lạnh, nhưng lưng áo bà đẫm mồ hôi, vừa sắp xếp lại hoa quả ra chiếc rổ lớn, bà Hằng cho biết, lúc còn trẻ ông bà làm nghề tự do ở quê nên cả hai không có lương hưu. Ra Hà Nội, ông bà thuê một phòng trọ ở bãi Phúc Tân với giá 1 triệu đồng/tháng. Hằng ngày ông phụ giúp bà bán hoa quả, thời gian rảnh ông chạy xe ôm, mỗi tháng trừ mọi chi phí ăn, ở, ông bà cũng để ra được hơn 8 triệu đồng.
“Sáng nào tôi cũng dậy từ 2 giờ sáng ra chợ Long Biên lấy hoa quả, ngày rằm, mùng một phải dậy từ 12 giờ đêm để chọn được hoa quả tươi, ngon. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông mưa rét, vất vả lắm. Để chọn được hàng không hề đơn giản vì phải “chiến đấu” với bạn hàng, chủ hàng về giá cả, mẫu mã. Cùng với đó là thấp thỏm “canh” cơ quan chức năng đi kiểm tra, nhắc nhở việc bán hàng vỉa hè. Tôi cũng đã nhiều lần phải ra phường nộp phạt”, bà Hằng kể.
Dù vậy, nhưng còn sức khỏe bà vẫn bám trụ ở thành phố, chứ về quê không làm gì ra tiền, trong khi biết bao việc phải lo như sửa nhà, ma chay, hiếu hỷ... Các con của bà cũng không dư dả nên không muốn làm phiền đến chúng.
Gần 73 tuổi, nhưng bà Bùi Thị Xoan, (ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) mỗi sáng sớm vẫn đạp xe sang chợ đầu mối Long Biên mua tôm, cá mang ra vỉa hè phố Hàng Vải bán để nuôi con trai út và đứa cháu nội.
Với ánh mắt đượm buồn, gương mặt khắc khổ, bà Xoan cho biết, thời trẻ bà làm may tại Hợp tác xã Ngọc Thành, sau đó HTX giải thể. Bà tiếp tục xin vào các tổ hợp may tư nhân làm một thời gian, nhưng thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình, bà lại chuyển sang làm một số công việc khác rồi đi chợ tôm, cá cho đến nay.
“Tôi không có lương hưu, ông nhà tôi cũng vậy nên cuộc sống rất vất vả. Tôi có 3 đứa con đều đã lập gia đình. Tuy nhiên, đứa con trai út dính vào cờ bạc, nợ đầm đìa, vợ bỏ đi, tôi phải nuôi cả hai bố con nó. Đã vậy con trai tôi còn vừa mổ u não, nằm viện cả tháng nay, bao nhiêu tiền của tích cóp được đều đã chi trả viện phí cho con. Tôi cứ túc tắc đi chợ, ngày nào đắt hàng cũng được đôi trăm, có tiền mua thuốc thang và chi phí sinh hoạt hàng ngày”, bà Xoan nói.
Trầm ngâm trong giây lát bà Xoan kể: “Ngày mới đi bán hàng, tìm được chỗ ngồi là cả một vấn đề. Cực chẳng đã mới phải ngồi vỉa hè mưu sinh để rồi thấp thỏm lo chạy mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra.
79 tuổi, ông Nam Thắng (quê Hà Nam) bán trà đá từ sáng sớm đến tối muộn kiếm từng đồng lẻ. Ngồi ở vỉa hè phố Quán Thánh, với chiếc áo đã sờn chỉ, không kể nắng mưa ông đều phải bám trụ để kiếm sống.
Vợ mất sớm, ông có hai người con trai, gia đình nghèo và cũng chỉ có hai sào ruộng nên ông phải ra Thủ đô kiếm sống. “Dù có hai người con, nhưng chúng không được nhanh nhẹn để có thể ra ngoài bươn chải kiếm sống. Đứa lớn thường xuyên đau ốm bệnh tật không đủ sức khỏe đi làm; đứa út thì có vấn đề về thần kinh, lúc tỉnh, lúc mơ. Vì thế mà tôi phải ra Hà Nội kiếm công việc gì đó để có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng người già cả như tôi chẳng có ai thuê và cũng không biết phải làm gì ngoài bán trà đá vỉa hè”, ông Thắng nghẹn ngào nói.
Đến năm 2030, sẽ có khoảng 20 triệu NCT
Theo số liệu Điều tra Lao động - Việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê, có đến 78,91% NCT là lao động tự làm và lao động hộ gia đình; 54,63% NCT làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có năng suất thấp và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; 40,47% NCT làm các công việc giản đơn.
Mặc dù thực tế còn nhiều NCT đang làm việc, nhưng theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số. NLĐ cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, công việc họ tìm được chủ yếu như bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...
Thực tế NCT tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, vừa góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.
Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã bổ sung riêng 1 mục về chính sách hỗ trợ việc làm cho NCT. Theo đó, NCT còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn việc làm, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề; giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động qua trung tâm dịch vụ việc làm; cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm.
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm thích ứng bối cảnh già hóa dân số. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng và sử dụng người lao động là NCT làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng.
TS Đinh Hữu Phí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam cho rằng, việc xây dựng một mục riêng trong dự thảo Luật Việc làm bao gồm một số điều khoản cụ thể nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho NCT là rất cần thiết để NCT có thêm thu nhập, cải thiện đời sống cá nhân và gia đình. “Việc có chính sách phù hợp, khả thi tạo việc làm cho NCT không những đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của NCT mà còn phát huy vai trò của NCT như một nguồn lực, giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả sức lao động, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của NCT, góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Năm 2023, Việt Nam có khoảng 16,1 triệu NCT, chiếm khoảng 17% dân số. Đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng hơn 20 triệu NCT và còn khoảng 12 năm là bước vào thời kỳ dân số già (2024 - 2036), đây là khoảng thời gian rất ngắn so với các quốc gia phát triển khác. Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. |
Hòa Cù - Hà Phương
Báo Lao động và Xã hội số 120