Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" lần thứ III

(Dân sinh) - Chiều 30/6, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam". Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo giải báo chí chủ trì.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sự đồng hành của báo chí thời gian qua đã giúp cho những chủ trương, chính sách, thay đổi lớn về giáo dục và đào tạo đến được với dư luận xã hội. Báo chí đã trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia vào quá trình đổi mới. Bên cạnh sự đồng thuận, những ý kiến phản biện tâm huyết của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp ngành Giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tế.

Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" lần thứ III - Ảnh 1.

Phạm Ngọc Thưởng: Bộ GD&ĐT tổ chức Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam để tôn vinh những nhà báo, phóng viên, những tập thể, cá nhân có tác phẩm báo chí hay viết về đề tài Giáo dục.

"Để ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn ấy, Bộ GD&ĐT tổ chức Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam để tôn vinh những nhà báo, phóng viên, những tập thể, cá nhân có tác phẩm báo chí hay viết về đề tài Giáo dục, tạo nên bức tranh toàn diện, đa màu sắc của ngành Giáo dục Việt Nam", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT cho biết, qua hai năm tổ chức, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã được đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương, những cây bút chuyên và không chuyên nhiệt tình hưởng ứng, gửi tác phẩm tham gia. Chất lượng các tác phẩm dự giải tăng lên, đề tài được phán ánh khá toàn diện và được đầu tư công phu về cách thức thể hiện, văn phong bút pháp.

"Chúng tôi rất mong nhận được sự tham gia, hưởng ứng của các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước để làm lan tỏa hơn nữa những tấm gương, điển hình tiên tiến của ngành giáo dục và tạo được sự đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội với công cuộc đổi mới giáo dục", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" lần thứ III - Ảnh 2.

Các thành viên Ban chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2020.

Thông tin chi tiết về Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2020, Tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại - Triệu Ngọc Lâm cho biết, giải dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước và ở nước ngoài. Thời gian đăng, phát tác phẩm là từ ngày 5/9/2019 đến hết ngày 5/9/2020. Thể loại tác phẩm phong phú, gồm cả tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, các chương trình phát thanh, truyền hình.

Giá trị giải thưởng gồm: Giải nhất: 30 triệu đồng; giải nhì: 15 triệu đồng; giải ba: 10 triệu đồng; giải khuyến khích: 5 triệu đồng. Riêng phần thưởng cho giải Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải sẽ tăng giá trị từ 5 triệu đồng lên ít nhất 10 triệu đồng. Giải đặc biệt và Giải phụ, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét quyết định, tùy tình hình thực tế tổ chức.

Thời gian nhận tác phẩm dự Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2020 là từ khi phát động đến hết ngày 30/9/2020. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 14/11/2020.

Địa chỉ nhận tác phẩm: Báo Giáo dục và thời đại, 15 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc Email: cuocthiVSNGDVN@moet.gov.vn. Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Bài tham gia Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam".

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam"do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực. Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những vấn đề nóng, thành tựu trong thực hiện đổi mới sáng tạo dạy và học của ngành Giáo dục trên phạm vi cả nước. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.