Giảm áp lực, tăng hứng thú
Với tinh thần "Giảm áp lực, tăng hứng thú", biến học tập thành niềm vui và nhu cầu tự thân, cô Lưu Thị Thu Hà, trường Trung học phổ thông Việt Đức, đã áp dụng linh hoạt nhiều hình thức và phương pháp dạy học tích cực nhằm khơi gợi niềm say mê hứng thú, khám phá tiềm năng còn ẩn sâu trong các em, từ đó nâng đỡ nhân cách học trò, hướng tới giá trị chân thiện mỹ. Trong giờ học, cô thường lồng ghép các buổi talkshow "Tại sao không?", trong đó, học sinh đóng vai MC, giáo sư Sử học... cùng thảo thuận về bài học. Cô cũng hướng dẫn học sinh khai thác tư liệu từ thư viện Hà Nội để tự tay làm ra những cuốn sách, cuốn tạp chí văn học, nghệ thuật. Học sinh nhờ thế đã phát huy được những cá tính và tài năng nghệ thuật độc đáo.
Trong khi đó, cô Vũ Thị Hiền, trường Trung học phổ thông Quốc Oai, lại khuyến khích học sinh sáng tác thơ Haiku của Nhật và thơ lục bát của Việt Nam, nhằm khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo, đưa giờ văn trở thành một sân chơi trí tuệ, giàu cảm xúc và hào hứng.
Các giáo viên cũng có những cố gắng nổi bật để chuẩn bị tâm thế cho học sinh trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai. Tiêu biểu là cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu khi tổ chức chương trình giao lưu hai chiều của học sinh của trường với trường Galile của Ý hay sự kiện "Ngày hội văn hóa Việt Nam – Đan Mạch". Cô Nhàn cho biết đích đến của học sinh Nguyễn Siêu không chỉ là đỗ đại học mà còn là phải nổi trội về khả năng sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.
Tạo nên những sản phẩm công nghệ giáo dục có giá trị thực tiễn cao
Để lôi cuốn học sinh trong giờ học lịch sử, cô Nguyễn Thị Phượng, trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Đông, hướng dẫn các em tìm hiểu, thu thập, thông tin, nghiên cứu tài liệu, những câu nói nổi tiếng để lập nên những trang cá nhân cho các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Ví dụ như facebook của Trần Hưng Đạo, Instagram của Lê Lợi… Các em đã vô cùng hào hứng tham gia và lồng vào nội dung lịch sử khô khan những câu nói rất hồn nhiên đúng lứa tuổi các em.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn Hà Nội, thành viên Hội đồng xét duyệt rất ấn tượng với sáng kiến đưa mạng xã hội vào để tạo môi trường học tập phù hợp với học sinh hiện nay. Theo ông, trong khi nhiều trường học cấm học sinh sử dụng mạng xã hội thì các thầy cô giáo lại tận dụng được lợi thế của mạng xã hội vào công tác giảng dạy, lôi cuốn học sinh tham gia vào giờ học một cách tự giác và sôi nổi.
Trong khi đó, cô Chu Thị Thu Hương, trường THPT Tân Lập luôn tìm kiếm giải pháp công nghệ để hỗ trợ học sinh tự học hóa học. Cô đã tạo nên và nhân rộng mô hình website hoahocthatladongian.com, gồm những video bài giảng kèm bài tập và đáp án cung cấp toàn bộ nền tảng hóa học phổ thông cho học sinh.
Ông Đặng Bảo Linh, Chuyên gia Công nghệ Giáo dục thuộc Hệ thống Giáo dục HOCMAI, thành viên ban giám khảo đánh giá rất cao sáng kiến của cô Hương và mong muốn sẽ cung cấp cho cô những công cụ, kiến thức, nền tảng để xây dựng một sản phẩm chuyên nghiệp hơn. Đáp lại, cô Hương cũng có mong muốn sẽ nhận được sự trợ giúp để mở rộng mô hình sáng tạo của mình, sao cho tiếp cận với học sinh nhiều hơn, tạo nên những thay đổi thiết thực hơn nữa.
Trong ngày xét duyệt khối THPT, các nhà giáo trẻ cũng đã được truyền cảm hứng về lòng tận tâm theo đuổi con đường dạy học từ thầy giáo Vũ Tất Tạo, trường THPT Lê Ngọc Hân. Thầy Tạo đã ngoài 80 tuổi vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục, bền bỉ và tin tưởng sẽ tạo nên một trường học hạnh phúc, ở đó học sinh biết tự phấn đấu và phát huy được năng lực tiềm ẩn của mình.