Tại Hội thảo, Tiến sĩ Ju thuộc KRIVET, phụ trách dự án đã trình bày tổng quan về tiến độ dự án. Theo đó, ngay từ lúc dự án được bắt đầu triển khai đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự phối hợp và hỗ trợ mạnh mẽ của ngân hàng KEXIMBANK, ngân hàng thế giới WorldBank, các cơ quan liên quan phía Việt Nam, dự án đã được triển khai từng bước, tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song tới nay đã hoàn thành báo cáo kết quả dự án và đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng đóng góp cho sự phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề tại Việt Nam trên cơ sở phân tích hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm từ nhiều mô hình thành công của Hàn Quốc.
Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu dự án, trên cơ sở phân tích hệ thống đào tạo nghề Việt Nam và mô hình thành công tại Hàn Quốc, báo cáo dự án đã đưa ra nhiều khuyến nghị mang ý nghĩa quan trọng cho giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề tại Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động to lớn tới thị trường lao động trong đó làm thay đổi cấu trúc ngành nghề và việc làm tại Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, tuy nhiên nhu cầu lao động một số lĩnh vực ngành nghề, chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, những vị trí công việc được thay thế bởi robot sẽ giảm đi. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia, dự báo một số ngành nghề, lĩnh vực sẽ có nhu cầu nhân lực tăng lên trong thời gian tới như: Điện, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, ICT. Để làm tốt việc dự báo và phát triển những ngành nghề mới cần sớm thiết lập cơ sở hạ tầng về thống kê và phân tích thị trường lao động. Bên cạnh đó, cơ cấu lại và tăng cường chính sách giáo dục nghề nghiệp đối với số hóa và tự động hóa; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp và chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tổ chức lại và cải cách về quản lý giáo dục nghề nghiệp, triển khai và thiết kế lại vai trò và chức năng của hệ thống công- tư trong giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các chương trình chuyên sâu và các dự án phục vụ mục đích thay đổi công nghệ,…Đối với những ngành nghề mới xuất hiện và có nhu cầu về nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần nghiên cứu triển khai mô hình hội đồng kỹ năng ngành (SSC- Sector Skills Coucil) đối với những ngành này.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao sự thành công của dự án. Những kết quả và khuyến cáo của nhóm chuyên gia sẽ là nguồn thông tin quan trọng giúp cho việc phát triển chính sách đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang tích cực triển khai đào tạo, đào tạo lại, phát triển hệ thống đánh giá, công nhận kỹ năng cho người lao động, đề nghị phía Hàn Quốc thời gian tới tiếp tục hỗ trợ giúp Việt Nam phát triển mô hình này. Sau những kết quả thành công của dự án, Hàn Quốc cần tăng cường hỗ trợ thêm các dự án khác hỗ trợ cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề tại Việt Nam.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết dự án có ý nghĩa rất quan trọng đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ phê duyệt. Kết quả dự án có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng Chiến lược. Việt Nam và Hàn quốc có nhiều điểm tương đồng về hệ thống giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, trong quá trình triển khai dự án hai bên đã đi đến những nội dung phù hợp phát triển hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng cảm ơn sự hỗ trợ mạnh mẽ của Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc – KRIVET, ngân hàng thế giới WorldBank, ngân hàng KEXIMBANK Hàn Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ để hoàn thành dự án này. Mong muốn trong thời gian sắp tới, Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.