Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Giáo viên sẽ phải học trước tiên khi đưa sách giáo khoa lớp 1 vào giảng dạy

Các thầy cô giáo sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và thay đổi cả bản thân mình để phù hợp với chương trình mới.

Giáo viên sẽ phải học trước tiên khi đưa sách giáo khoa lớp 1 vào giảng dạy - Ảnh 1.

Sách giáo khoa lớp 1 mới sẽ được đưa vào chương trình học năm 2020-2021. (Ảnh minh họa).

Chia sẻ với phóng viên Vov.vn về việc giảng dạy sách giáo khoa mới, các thầy cô giáo khối 1 đều chuẩn bị sẵn tâm lý cho một mùa Hè không nghỉ trước năm học 2020-2021, để đưa sách giáo khoa mới vào giảng dạy. Đến nay, khi chưa được cầm sách trên tay, khi mới được tập huấn sơ bộ về tổng thể chương trình phổ thông mới và điểm mới trong chương trình, nhiều thầy cô có cảm giác khá "mông lung". Chính các thầy cô sẽ phải học chương trình mới trước khi đứng trên bục giảng để truyền đạt cho các học trò nhỏ của mình.

"Chúng tôi sẽ phải học chương trình mới trước học sinh"

 Với hơn 10 năm dạy khối 1, cô giáo Khánh Linh (Hà Nội) chia sẻ, với các thầy cô, khó khăn lớn nhất là chưa được tiếp cận sách giáo khoa trong khi chương trình mới sẽ triển khai vào năm học tới. Nhưng điều này sẽ được giải quyết qua các đợt tập huấn.

"Chúng tôi tập huấn chưa được nhiều vì chưa có sách trên tay, nên Hè năm tới chúng tôi sẽ tham gia tập huấn cụ thể hơn. Chúng tôi đã được tập huấn về các môn cơ bản Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Đạo đức, theo tổng thể và nắm bắt các điểm mới của chương trình", cô Linh cho biết.

Theo cô Linh, trong chương trình mới, học sinh tham gia nhiều hoạt động và phần trải nghiệm trong tiết học được tăng cường nhiều hơn. Các tiết học được thiết kế thêm phần khởi động đầu tiết học, để học sinh hào hứng hơn. "Là giáo viên, chúng tôi bám sát chỉ đạo của nhà trường và phòng giáo dục.

Với cá nhân tôi, tôi thấy đổi mới là hợp lý và cần thiết. Các bạn học sinh hiện nay cũng rất thông minh, khả năng phản biện rất tốt nên chương trình mới rất thích hợp. Và khi triển khai chương trình mới thì mới có thể đánh giá chính xác qua thực tiễn dạy và học", cô Linh cho biết.

Cùng quan điểm này, nhiều giáo viên có thâm niên dạy khối 1 cũng cho rằng, việc tăng cường trải nghiệm và liên hệ thực tế của cho học sinh là điểm mới rất hay, để các con có thể bộc khả năng của mình và có thêm cơ hội trình bày ý kiến của bản thân.

Giáo viên sẽ phải học trước tiên khi đưa sách giáo khoa lớp 1 vào giảng dạy - Ảnh 2.

Các thầy cô giáo khối 1 đều chuẩn bị sẵn tâm lý cho một mùa Hè không nghỉ trước năm học 2020-2021, để đưa sách giáo khoa mới vào giảng dạy.

Cô giáo Phan Thương (Hà Nội) chia sẻ: "Tâm lý chung của giáo viên chúng tôi cho rằng, xã hội phát triển thì chương trình phải đi theo. Phải thay đổi, vì đến năm 2020 rồi học sinh phải học những kiến thức mới thay cho những kiến thức đã không còn phù hợp. Tôi mong rằng chương trình sẽ giảm tải cho các con, vì chương trình hiện tại quá nặng. Đi học tập huấn, tôi thấy có giảm tải từ các kiến thức và nội dung của từng bài. Ví dụ như môn Toán, tôi thấy có giảm tải tương đối nhiều cho học sinh. Khi mình ốp các con thì các cũng phải theo, nhưng từ mẫu giáo lên tiểu học, nhiều bạn vẫn chưa bắt kịp nên sẽ khó khăn cho các con".

Theo cô Thương, khi được tập huấn kỹ càng, tiếp cận sách mới các thầy cô mới "vỡ ra được". Bởi thực tế, bước vào một cái gì mới cũng đều có những khó khăn ban đầu, các thầy cô giáo sẽ phải đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức và thay đổi cả bản thân mình để phù hợp với chương trình.

Giáo viên cần trang bị những gì?

Liên quan đến chương trình sách giáo khoa mới, Giaoduc.net cho hay, để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới thì thời gian qua, ngành giáo dục đã có những chuẩn bị như tập huấn một số chuyên đề cho giáo viên dưới cơ sở.

Và, thời gian tới đây thì giáo viên tiếp tục được tập huấn, bồi dưỡng nhiều chuyên đề nữa. Việc tập huấn cả trực tiếp và cả tập huấn qua mạng Internet.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì việc tập huấn cho giáo viên hiện nay dưới cơ sở chưa thực sự hiệu quả. Chính vì thế, ngoài việc được bồi dưỡng, tập huấn thì giáo viên cần phải chủ động chuẩn bị cho mình nền tảng kiến thức và tâm thế cho việc đổi mới tới đây. Theo chúng tôi thì giáo viên cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Mỗi giáo viên cần chủ động đọc- tìm hiểu một cách thấu đáo chương trình môn học, nhất là đối với môn học, cấp học của mình đã được Bộ thông qua bởi đó là nội dung cơ bản nhất mà mình sẽ đảm nhận trong giảng dạy.

Thứ hai: Mỗi giáo viên phải luôn xác định được mình sẽ là động lực để đổi mới và thúc đẩy việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thành công.

Giáo viên sẽ phải học trước tiên khi đưa sách giáo khoa lớp 1 vào giảng dạy - Ảnh 3.

Muốn vậy, mỗi giáo viên phải thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn của mình. Làm chủ được kiến thức môn học mà mình sẽ dạy, nhất là đối với 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Thứ ba: Trong mỗi đợt tập huấn tới đây, giáo viên cần chủ động lĩnh hội, học hỏi những cái mới. Những gì chưa thấu đáo cần mạnh dạn trao đổi, chia sẻ. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật những thông tin, những bài bồi dưỡng trên các website của Bộ, của Sở và các trang chuyên đề của ngành để trang bị kiến thức cho mình.

Có lẽ, thời điểm này, điều giáo viên cần hướng tới là việc tranh thủ cập nhật những thay đổi của ngành. Thời gian còn lại không nhiều nếu thầy cô bị động sẽ dẫn đến thụ động và chắc chắn sẽ rất khó khi tiếp cận và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trong thời gian tới đây.

Những khó khăn khi thực hiện chương trình mới chắc chắn sẽ còn rất nhiều và lộ trình áp dụng chương trình mới thì đã cận kề.

Vì thế, sự chủ động của giáo viên từ bây giờ là là rất cần thiết để sau này đỡ vất vả cho bản thân mỗi người thầy và cũng là cách góp phần cho việc đổi mới của ngành giáo dục thành công trong một vài năm tới.

Đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình phổ thông mới triển khai cùng lúc 5 bộ SGK lớp 1 từ năm học 2020-2021 đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đây bước khởi đầu trên chặng đường dài đổi mới giáo dục. Các chuyên gia trong ngành nói rằng: "Chúng ta phải cần thời gian để cây trồng đâm hoa kết trái" và lần cải cách giáo dục này là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị một cách bài bản.