Chia sẻ một số phương pháp giúp đỡ sinh viên chống lại các mối nguy tiềm ẩn trong môi trường không gian mạng, TS Hamza Mutaher, chuyên gia đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam cho biết, đầu tiên, khi nhận được những tin nhắn rác, quấy rối, sinh viên cần chụp màn hình những cuộc hội thoại mà họ cảm thấy ảnh hưởng đến mình.
Tiếp theo là block tài khoản đó, rồi nói với những người mình có thể tin tưởng để nhận được sự hỗ trợ. Theo TS Hamza Mutaher, sinh viên, giới trẻ phải hiểu không cần thiết chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội, phải biết chọn lọc thông tin nên công khai và không nên.
TS Hamza Mutaher khuyến khích sinh viên tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà trường, thầy cô, gia đình và bạn bè để có thể ổn định tâm lý và có được giải pháp hiệu quả nhất. Đối với trường hợp nghiêm trọng, sinh viên cần báo cáo cho cơ quan chức năng để được giúp đỡ, giải quyết vấn đề kịp thời.
Mỗi cá nhân khi chia sẻ thông tin phải suy nghĩ thật kỹ để xem thông tin đó có dễ hiểu, đáng tin cậy hay không, tránh tình trạng tiếp tay cho việc lan truyền thông tin giả, độc hại.
Ngoài ra, mỗi cá nhân phải kiên định với giá trị thật, tin tưởng vào bản thân và chọn lọc những thông tin tiếp nhận. Một điều cần thiết khác là phải có sự kết hợp trường đại học với nhà nước, các tổ chức khác để giao tiếp, phổ biến đến sinh viên các phương pháp bảo vệ bản thân trước các mối nguy trên mạng xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức của sinh viên.
“Chúng tôi cũng kêu gọi phụ huynh quan tâm nhiều hơn đời sống, tâm sinh lý của con cái để phát hiện vấn đề kịp thời, từ đó có những giải pháp tốt nhất hỗ trợ các con. Tôi cũng có một số lời khuyên về mặt kỹ thuật để sinh viên tự bảo vệ mình như thay đổi mật khẩu thường xuyên, cập nhật các phần mềm trên thiết bị mình sử dụng thường xuyên, đọc kỹ bộ quy tắc trên các trang web trước khi sử dụng…”, TS Hamza Mutaher nhấn mạnh.