Chủ trì Hội thảo có ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục việc làm, ông Huỳnh Văn Thuận - PTGĐ ngân hàng Chính sách xã hội. Hội thảo nhằm đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi; việc triển khai thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP và xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong Luật Việc làm về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, Cục Việc làm phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác (Ngân hàng Chính sách xã hội) tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo báo cáo của ông Lê Ngọc Toàn - Trưởng phòng KH-TC Cục quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định: Số lượng lao động đưa đi tăng dần theo hàng năm; chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao; hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào nề nếp v.v…
Giai đoạn 2016 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 861.340 người. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng liên tục qua các năm (trung bình tăng 7%/năm) và số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất là năm 2019 đạt 152.530 người (bằng 121% năm 2016). Trong đó ghi nhận sự tăng nhanh tại thị trường có thu nhập cao, ổn định như thị trường Nhật Bản và Đài Loan, giảm mạnh ở các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi.
Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu hết các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đóng cửa, tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài. Đến năm 2022, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dần trở lại bình thường, với số lao động đi làm việc ở nước ngoài là: 142.779 lao động (bằng 93,6% của năm 2019, khi chưa bùng phát dịch Covid-19). Trong số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lao động là đối tượng thuộc các chính sách hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chiếm khoảng 10%.
Ngoài các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động làm các thủ tục trước khi đi, chính sách cho vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã mở ra cho người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động cư trú tại các khu vực, địa bàn đặc biệt khó khăn, cơ hội được đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Các chính sách hỗ trợ cho vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 127 nghìn người lao động, mở ra cơ hội làm việc ở nước ngoài cho người lao động thuộc các huyện nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo… tạo điều kiện để người lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài sẽ nâng cao được tay nghề, rèn luyện tính kỷ luật, tích lũy kinh nghiệm cũng như nâng cao hiểu biết. Khi về nước, họ sẽ bổ sung cho địa phương một lực lượng lao động có kỹ thuật, có tác phong công nghiệp và có nguồn vốn nhất định để đầu tư vào sản xuất kinh doanh - việc khó có thể thực hiện được nếu họ không đi làm việc ở nước ngoài.
Các chính sách cho vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài đã giúp các hộ gia đình chính sách có điều kiện cải thiện cuộc sống và thoát nghèo. Nguồn vốn cho vay của chương trình được nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo tại địa phương và trên toàn quốc.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Vương Văn Minh - GĐ Ban tín dụng học sinh - sinh viên và các dối tượng chính sách khác cho biết, theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong năm 2022, Ngân hàng đã cho vay 7.498 lượt người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn huy động của Ngân hàng và từ Quỹ quốc gia về việc làm với doanh số cho vay đạt 565,223 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, đã có 2.809 người lao động được vay vốn từ NHCSXH để đi làm việc ở nước ngoài với doanh số cho vay đạt 210,765 tỷ đồng (mức cho vay trung bình khoảng 75 triệu đồng/người lao động).
Đối với chương trình EPS, số dư ký quỹ đạt trên 2.909 tỷ đồng với 23.671 lao động còn dư tiền gửi ký quỹ, doanh số cho vay ký quỹ đạt 25,9 tỷ đồng với 259 lao động vay vốn để ký quỹ. Nợ quá hạn của chương trình khoảng 25 tỷ đồng.
Hệ thống ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ, giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhiều địa phương quan tâm, bố trí bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động, ngoài các chính sách cho vay vốn chung, một số địa phương có các chính sách riêng để hỗ trợ, khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Minh, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Vì vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị cần bổ sung nguồn vốn cho vay; Nâng mức cho vay từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Đồng thời, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ quản chương trình nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Việc làm: không quy định điều kiện vay vốn đối với người lao động là nơi cư trú hợp pháp phải cùng địa bàn nơi thực hiện dự án như hiện nay; nội dung quy định về ưu đãi lãi suất đề nghị không đưa vào Luật Việc làm mà đưa nội dung là lãi suất do Chính phủ quy định; cần có quy định rõ ràng về đối tượng vay vốn chương trình giải quyết việc làm là tất cả các đối tượng có nhu cầu về việc làm, vay vốn để tạo việc làm mới hoặc đã có nhưng tạo việc làm thêm, duy trì, mở rộng việc làm hoặc thu hút thêm lao động.
Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư ... với hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, chỉ đạo tổ chức hội các cấp thực hiện tốt các nội dung công việc nhận ủy thác, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Phạm Thanh Hùng - GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, tính từ năm 2022 đến nay (kể từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát), trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cho vay 11.693 lao động, với tổng số tiền 480 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm; đồng thời thực hiện cho vay đối với người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 379 lao động, với tổng số tiền 31,9 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn từ 02 nội dung này là 0,12 %.
Như vậy, với những kết quả nêu trên, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định sự đúng đắn trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng này. Tín dụng chính sách góp phần quan trọng quyết định hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi; ngăn chặn, từng bước đẩy lùi ‘tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông thôn.
"Có thể nói chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm được triển khai rộng rãi, đáp ứng nhu cầu vốn của người lao động, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, là trụ cột của các chính sách an sinh xã hội. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết giữa cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với các tổ chức đoàn thể và người lao động, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người lao động với chính quyền cơ sở, thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn phương thức làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng", ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với việc làm, duy trì và mở rộng việc làm vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Nhu cầu về nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn, nguồn vốn không đủ để đáp ứng cho vay các đối tương thụ hưởng.
Điều kiện về vay vốn khi triển khai cho vay thực tế tại địa phương: Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Luật Việc làm thì điều kiện vay vốn đối với người lao động là “cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án”. Tuy nhiên, trên mẫu Giấy đề nghị vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (mẫu số 1) ban hành kèm theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có dự án được thực hiện tại địa phương. Như vậy, người lao động cư trú hợp pháp tại xã, phường, thị trấn này nhưng lại có dự án đầu tư ở xã, phường, thị trấn khác sẽ không đủ điều kiện vay vốn của chương trình.
Theo ông Hùng, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm, đề nghị Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu tham mưu đề xuất với Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi điều kiện vay vốn là nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động trên cùng địa bàn cấp huyện, thay cho quy định trên cùng một địa bàn cấp xã như hiện nay; có ý kiến thống nhất về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp có thu nhập thấp, chưa ổn định cuộc sống nhưng có tham gia bảo hiểm xã hội, có nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Nên có cơ chế chính sách để bổ sung nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để thực hiện cho vay. Vì hiện nay, tổng nguồn vốn để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của tỉnh là 519 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của trung ương vẫn còn ở tỷ lệ thấp, chiếm khoảng 13,87%, với số tiền 72 tỷ đồng; nguồn NHCSXH huy động 312 tỷ (chiếm tỷ lệ 60,11%) và nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH là 135 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,02%).
Đề nghị Trung ương xem xét, chuyển toàn bộ nguồn vốn còn lại từ 02 chương trình, đó là: Chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và Chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến, để chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Vì qua rà soát nhu cầu vay vốn, thì các đối tượng thụ hưởng từ 02 chương trình này không còn nhu cầu vay vốn.