Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Hà Giang: Thị trường lao động chịu tác động mạnh do dịch Covid-19

(Dân sinh) - Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động trên địa bàn đã bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng số lao động của tỉnh đã nghỉ việc ở các tỉnh bạn, trở về địa phương là hơn 5.000 người.

Thời gian qua, mặc dù việc kết nối thông tin thị trường lao động được triển khai kịp thời, đồng bộ, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được đẩy mạnh… Tuy nhiên, thị trường lao động tỉnh Hà Giang năm 2021 nói chung và trong tháng 8 nói riêng chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. Nguyên nhân, do nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh, lao động bị mất việc, ngừng việc trong các nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tăng cao, lượng cung lớn nhưng nhu cầu lại giảm.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên người lao động không thể dịch chuyển để tìm kiếm việc làm, số lao động đã nghỉ việc và trở về địa phương là hon 5.000 người; trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang đã phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tổ chức đón 2.496 lao động từ Bắc Giang trở về.

Số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang cho thấy: Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hoạt động dịch vụ và du lịch giảm mạnh, hệ thống khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Lĩnh vực công nghiệp vẫn hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt dịch bùng phát liên tục, tình trạng việc làm không ổn định do quy mô sản xuất thu hẹp, sản lượng giảm, lao động phải nghỉ luân phiên duy trì sản xuất… Do đó, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn do mất nguồn thu nhập ổn định, lao động bị thiếu việc làm, mất việt làm và thất nghiệp có chiều hướng gia tăng.

Tính đến cuối tháng 8/2021, tỉnh Hà Giang có gần 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động sử dụng trên 25.000 lao động thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 83 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 15 hợp tác xã ngừng hoạt động, 34 hợp tác xã thu hồi giải thể.

Cùng với đó, lao động phi chính thức (lao động tự do, lao động không có giao kết hợp đồng lao động) làm việc tại các phòng KARAOKE, quán Internet, phòng tập gym, cơ sở làm đẹp bị tác động do tỉnh yêu cầu dừng hoạt động; lao động làm việc ở các nhà nghỉ, khách sạn bị tác động do không có khách du lịch. Đối với lao động làm việc tại nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp hoạt động vận tải, dịch vụ, hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ, lao động làm thuê tại các bến bãi, công trình xây dựng, lao động theo mùa vụ… cũng chịu tác động, nhưng nhẹ hơn do tỉnh không thực hiện giãn cách xã hội nên vẫn được hoạt động, song việc làm và thu nhập của người lao động cũng không ổn đinh.

Mặc dù có ca lây nhiễm Covid-19, nhưng tỉnh Hà Giang chưa thực hiện giãn cách xã hội. Do vậy tỉnh đã có chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó gắn với đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động...

Theo khảo sát, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời gian tới tại tỉnh Hà Giang cần 2.000 đến 3.000 chỗ làm việc. Các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch tuyển dụng lao động cho hoạt động ổn định phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhu cầu lao động tập trung ở các ngành nghề kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ; dệt may - giày da; chế biến thực phẩm; nhà hàng - khách sạn… Kết quả, tính riêng trong tháng 8/2021, Hà Giang có 7 doanh nghiệp tuyển dụng (trong tỉnh 3 đơn vị, ngoài tỉnh 4 đơn vị) có nhu cầu tuyển 540 lao động.

Trong thời gian tới, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm hiểu lựa chọn việc làm phù hợp, Hà Giang sẽ thực hiện giải pháp hỗ trợ lao động làm việc tại các tỉnh phải quay về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (cả tự về và do các tỉnh đón về), giúp lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, sớm quay lại thị trường lao động khi điều kiện cho phép. Tiếp tục tham mưu ban hành các cơ chế chính sách giúp cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong. Chuẩn bị nguồn lao động (cả về số lượng và chất lượng) để cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... khi cả nước kiểm soát được dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới.