Giờ học tại Trường THCS Thái Thịnh, quận Ðống Ða, Hà Nội. Ảnh minh họa, nguồn: Minh Anh / Báo Nhân Dân.
Như thông tin đã đưa, áp lực sĩ số ở Hà Nội đã xảy ra trong nhiều năm nay. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp tiểu học TP Hà Nội mới đây, bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) cũng thừa nhận, một trong những vấn đề còn tồn tại của năm học 2017-2018 ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố là quy mô trường, lớp quá đông.
Năm nay, toàn thành phố có gần 680.000 HS, theo học tại 745 trường tiểu học, tăng hơn 30.000 HS so với năm học 2016-2017. Tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày đạt 96,3%. Sĩ số trung bình một lớp ở các nhà trường đạt 40 HS, tuy nhiên một số trường có sĩ số lên đến 60 HS/lớp.
Sự quá tải dồn vào một số quận huyện như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy… khiến một số trường áp lực nặng nề về sĩ số, lớp học lên đến hơn 60 em, có lớp 3 HS/bàn. Có quận, sĩ số HS tăng năm nay bằng cả một trường mới.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, địa bàn quận có 8 trường tiểu học. Có thể do HS lứa “rồng vàng” nên năm nay quận Tây Hồ phải tăng chỉ tiêu lên so với năm ngoái 520 HS/8 trường tiểu học. Ngoài ra, quận phải tuyển vượt chỉ tiêu so với tổng là 270 em. Như vậy, tổng HS tăng quá chỉ tiêu năm nay của quận Tây Hồ là 790 em, tương đương cả một trường mới.
Góp ý về việc trước mắt làm sao đối phó với tình trạng áp lực sĩ số ở Hà Nội hiện nay, ông Vũ cho rằng: “Hà Nội vừa rồi bỏ ra 1.900 tỉ đồng, xây dựng được khoảng 2.200 phòng học, đáp ứng nhu cầu của 11.000 HS, tức chỉ đáp ứng được nhu cầu của 1/3 số HS vào năm nay. Với số dân đô thị hóa như hiện tại, quỹ đất nhiều khu vực thiếu thốn, sẽ không bao giờ đáp ứng được hết”.
Do đó theo ý kiến riêng của ông Vũ, cấp tiểu học rất áp lực, vậy tại sao không bỏ chi phí để biên chế thêm một giáo viên/lớp? Như vậy, mỗi lớp sẽ có một giáo viên trợ giảng, một giáo viên chính.
“Điều này vừa giải quyết công ăn việc làm cho giáo viên, một cô giảng chính còn một cô trợ giảng sẽ làm việc với các nhóm HS nhỏ, rất tiện lợi cho việc dạy/học”, ông Vũ đề xuất.
Theo Báo Công an Nhân dân ngày 11/7/2017, quận Cầu Giấy hiện có 88 trường học, trong đó có 35 trường công lập và 53 trường dân lập (tư thục).
Để giải quyết nhu cầu thiếu trường công lập, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao, Sở GD&ĐT Hà Nội phải dùng nhiều biện pháp tình thế trong đó có việc buộc phải tăng sĩ số lớp lên gấp rưỡi.
Theo quy định hiện nay, với cấp tiểu học sỹ số là 35-40 học sinh/lớp, nhưng thực tế tại nhiều trường thuộc các quận nội thành, khu đô thị, sĩ số học sinh rất đông, đều trên dưới 60 em/lớp.
Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy cho biết: Số lượng học sinh trên địa bàn quận cũng tăng rất nhanh, ví dụ năm 2016 tăng 10% tương đương với 6.200 em học sinh. Trước tình hình đó, hàng năm quận Cầu Giấy đều dành từ 35-40% ngân sách để đầu tư cho giáo dục bao gồm các hoạt động như cải tạo, sửa chữa và xây mới trường học.
Tuy nhiên, cũng theo bà Trịnh Thị Dung: "Quỹ đất giáo dục như hiện nay cũng có hạn, không thể mở rộng ra được. Với tình hình này, chúng tôi đã tính đến phương án xây nâng tầng (trường) học lên...Với những khu đô thị đã đi hoạt động nhưng không dành ra được quỹ đất cho giáo dục, các hộ dân chuyển đến sinh sống phải có những đóng góp nhất định để chính quyền có thêm nguồn ngân sách xây dựng và cải tạo lại các trường học cho phù hợp.
Năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh (tăng 48 trường, tăng 109.930 học sinh). Trong đó, công lập có 2.182 trường, 1.734.596 học sinh và tư thục có 507 trường, 252.213 học sinh. Giáo dục mầm non có 1.108 trường học và 567.617 cháu; giáo dục tiểu học có 737 trường và 733.110 học sinh; giáo dục THCS có 623 trường và 452.347 học sinh và giáo dục THPT có 221 trường và 233.735 học sinh. |