Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Hệ thống ngân hàng phải giảm sách nhiễu, "sân sau", lợi ích nhóm

Thành Công
Thành Công

Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện “6 giảm”, trong đó có giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…

Yêu cầu hệ thống ngân hàng phải giảm sách nhiễu, “lợi ích nhóm”, “sân sau” được Thủ tướng nêu rõ khi phát biểu kết luận Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, chiều 21/9.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đồng hành với các ngân hàng thương mại cổ phần; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế và dân sự.

Hệ thống ngân hàng phải giảm sách nhiễu, "sân sau", lợi ích nhóm - 1
Yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện “6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá” (Ảnh minh họa: ITN).

Thực hiện “6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá”

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý thành phần kinh tế tư nhân nói chung và hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng phải tuân thủ pháp luật, không được kinh doanh trái phép, không trốn thuế… “Nếu vi phạm sẽ bị xử lý”, Thủ tướng nêu rõ.

Trước các kiến nghị của ngân hàng liên quan việc thu hồi nợ, tài sản bảo đảm cho vay, phạt chậm nộp thuế…, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất Chính phủ, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Thủ tướng quán triệt với các bộ, ngành khi xử lý công việc là phải nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cùng doanh nghiệp giải quyết với tinh thần “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm.

Với hệ thống ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện "6 tăng”, “6 giảm”, “6 tăng tốc, bứt phá”.

Cụ thể, “6 tăng” gồm: Tăng năng lực của tổ chức tín dụng ngân hàng, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới;

Tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính;

Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống ngân hàng.

"6 giảm" gồm: Giảm lãi suất; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, “sân sau”; giảm nợ xấu…

Cùng với đó là "6 tăng tốc, bứt phá" gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng;

Tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế; tăng tốc, bứt phá về vươn ra thị trường quốc tế.

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay các nhiệm vụ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ; nghiên cứu các chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, tín chấp, gói lãi suất 0 đồng…

Đồng thời, đẩy mạnh tăng cường tín dụng an toàn, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%...

Lãi suất giảm hơn 1% so với cuối năm 2023

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất và công khai lãi suất trên website.

Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, đến tháng 8/2024 giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023.

“Lãi suất cho vay khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giảm khoảng 0,96%, hiện ở mức 9,17%, cao hơn toàn hệ thống và nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước”, ông Dũng thông tin.

Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, đã có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia với số tiền 20.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng).

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo điều chỉnh nâng mức giảm lãi suất cho vay với người mua nhà từ 2% lên 3% trong 5 năm đầu cho vay, 5 năm tiếp theo áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn từ 1% đến 2% so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.

Ông Dũng cho biết, những tháng cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng.

Để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Điều này sẽ khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng của người dân...

Chủ tịch Techcombank cũng đề nghị có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, Dự thảo Luật Chứng khoán có những điều khoản thay đổi quan trọng và sẽ ảnh lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cũng như tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.

“Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, người dân và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn một cách bền vững”, ông Hồ Hùng Anh kiến nghị.

Còn Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Hồ Hùng Anh nói, nền kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… khiến các ngân hàng cũng gặp một số khó khăn trong hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Do vậy, ông Hùng Anh đề nghị có những giải pháp như: Bổ sung, gia hạn các gói vay vốn với lãi suất thấp, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Đồng thời, bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thời gian nộp thuế, kiểm soát các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu … nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính.