Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Hiệu quả từ đầu tư đào tạo chất lượng cao

Đưa các chương trình, công nghệ đào tạo tiên tiến vào áp dụng trong đào tạo nghề được xem là cách nhanh nhất và tốt nhất để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) với chương trình thí điểm bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực.

 

Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc (đứng giữa) đang giới thiệu với Tổng Cục trưởng TC GDNN Nguyễn Hồng Minh về phòng học 4.0 


Trách nhiệm với sinh viên

Năm 2018, HCEM không mở thêm ngành đào tạo, nhưng quy mô tuyển sinh đã tăng thêm hơn 330 sinh viên, nhờ đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề chất lượng cao. Cụ thể, nhà trường triển khai đào tạo 7 nghề chất lượng cao, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cao hơn so với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đại trà thông thường. Bên cạnh đó tăng cường đào tạo tiếng Anh, tin học và kỹ năng mềm cho sinh viên… “Chuẩn đầu ra,  học sinh, sinh viên ra trường có việc làm,... thuộc trách nhiệm của nhà trường. Theo đó, nhà trường ký cam kết việc làm với từng sinh viên và phụ huynh. Nếu em nào không có việc làm trong vòng 6 tháng tính từ ngày tốt nghiệp, thì nhà trường trả lại kinh phí đào tạo. Công tác này đã được thực hiện trong 5 năm qua và  đây là sự khẳng định về uy tín và chất lượng đào tạo của nhà trường”, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng HCEM cho biết.

Các ngành nhà trường đang đào tạo chất lượng cao gồm: Điện, Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Hàn, Cắt gọt kim loại, Kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí, Quản trị mạng máy tính. Trong năm nay, Tổng cục GDNN đang hướng dẫn và chỉ đạo nhà trường tham gia thí điểm đào tạo 3 chương trình chuyển đổi từ CHLB Đức, đây là sự chuyển đổi toàn diện về chương trình và công nghệ đào tạo.

Phát triển mô hình phục vụ nông nghiệp thông minh

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động đến nền kinh tế của nước ta, tác động đến hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và cuộc sống con người. Đứng trước những cơ hội và thách thức về chất lượng đào tạo nhân lực cho các Doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 nhà trường đã chuẩn bị rất sớm các nguồn lực. Từ  tháng 7/2017, HCEM đã đầu tư phòng học trang bị thiết bị đào tạo nghề, đào tạo đội ngũ giảng viên và biên tập chương trình đào tạo các nghề Cơ khí, Tự động hóa, Cơ điện tử, Điện công nghiệp thế hệ công nghệ 4.0. Mục tiêu của nhà trường là đào tạo nhân lực có trình độ cao, sẵn sàng ứng tuyển vào các doanh nghiệp sử dụng công nghệ 4.0, đây cũng là chiến lược chọn thị phần đào tạo và sớm dành ưu thế cạnh tranh chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường.

“Một trong những định hướng nghiên cứu trọng tâm năm 2018 của HCEM là ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, HCEM tập trung vào nghiên cứu, phát triển hệ thống điều khiển tự động hóa trong nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm cả chăn nuôi và trồng trọt. Trên cơ sở các chỉ số ngành, các kết quả, quy trình khoa học đã được công bố và kiểm chứng uy tín, HCEM sẽ tiến hành lập trình, thiết kế để làm sao tự động hóa, tối ưu hóa ở mức độ cao nhất. Mọi chỉ tiêu về không khí, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, chế độ cho ăn, dinh dưỡng sẽ được cụ thể hóa bằng các lập trình, phần mềm để hạn chế tối đa việc phải sử dụng lao động trực tiếp. HCEM đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ cho ra mắt một loạt mô hình, quy trình nông nghiệp thông minh trong chăn nuôi và trồng trọt”, ông Ngọc cho biết.

 Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế

Hiện trường CĐ Cơ điện Hà Nội đang thực hiện 3 loại chương trình đào tạo gồm chương trình đào tạo đại trà; chương trình đào tạo chất lượng cao và chương trình đào tạo được chuyển giao từ Đức được Tổng cục GDNN chỉ đạo để các trường được tham gia thí điểm đào tạo theo đúng chương trình chuyển giao, đảm bảo chất lượng cũng như quản trị công nghệ.

Chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng chuẩn cao hơn so với chương trình đại trà và đặt ra nhiều tiêu chuẩn chất lượng, trong đó chuẩn về kiến thức, kỹ năng liên quan như tin học (áp dụng chuẩn tin học IIG của Mỹ). Từ năm 2017, cả tin học và ngoại ngữ, 100% sinh viên nhà trường được sử dụng chương trình đào tạo này. Sinh viên nhà trường tốt nghiệp, phải có đầy đủ các chứng chỉ IC3 và chứng chỉ tin học chứng chỉ ngoại ngữ TOICH đạt từ 450 điểm,...

Với chương trình chất lượng cao hiện nhà trường đang công bố học phí là 2 triệu đồng/tháng, chương trình đào tạo 3 năm tổng học phí là 60 triệu đồng. Nhưng khóa đầu tiên, nhà trường cấp học bổng 50% cho toàn bộ khóa học. “Chương trình nhằm tạo ra một cú hích về nhận thức trong đào tạo nghề nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra cho doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận nhanh nhất, tốt nhất để Việt Nam có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Ngọc khẳng định.