Mức hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 mức lương tối thiểu vùng. Mức chi cụ thể phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với khả năng cân đối của địa phương và phải bảo đảm trong phạm vi dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được giao.
Các khoản phải trích nộp theo quy định của pháp luật hiện hành như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn... do tổ chức kinh tế tập thể và người lao động chi trả theo quy định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế địa phương để quy định tiêu chí lựa chọn lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ về chi hỗ trợ đào tạo trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao năng lực đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên.
Cụ thể, chi hỗ trợ đào tạo trong nước gồm học bổng đào tạo, nghiên cứu dài hạn trong nước về hợp tác xã và các chuyên ngành hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể: Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định về chi đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trong nước tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Hỗ trợ đào tạo ở nước ngoài gồm học bổng đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài về hợp tác xã và các chuyên ngành hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.