Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Hỗ trợ học sinh, sinh viên nghề khởi nghiệp

(Dân sinh) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Bộ đề xuất quy định về công tác hỗ trợ khởi nghiệp.

Hỗ trợ học sinh, sinh viên nghề khởi nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của người học; trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp, chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện người học và hỗ trợ người học khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ người học khởi nghiệp. Tìm kiếm và giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của người học để giới thiệu cho các nhà đầu tư; tăng cường xã hội hóa công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền giáo dục người học nhận biết về vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tự tạo việc làm đối với xu hướng giáo dục toàn cầu; các chương trình giáo dục khởi nghiệp của địa phương, quốc gia và thế giới; các vườn ươm, không gian khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp và cho người học giáo dục nghề nghiệp. Tạo môi trường hỗ trợ người học khởi nghiệp.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và kết nối các ý tưởng, dự án của người học với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Nhiều hình thức tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp

Dự thảo nêu rõ các hình thức tổ chức gồm: Tích hợp, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về khởi nghiệp cho người học trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa trong chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các khóa học đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy thuộc vào điều kiện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tạo môi trường hỗ trợ người học khởi nghiệp thông qua việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân huy động các nguồn lực tổ chức các không gian khởi nghiệp dùng chung trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp với các câu lạc bộ khởi nghiệp; thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tổ chức các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và kết nối các ý tưởng, dự án của người học với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Cụ thể, tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp người học giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite các cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Cấp cơ sở do cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức trong phạm vi đơn vị; cấp tỉnh do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện; cấp khu vực và quốc gia: do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học thông qua các hình thức diễn đàn, hội thảo, giao lưu khởi nghiệp và ngày hội khởi nghiệp người học giáo dục nghề nghiệp cấp trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia: Tối thiểu 1 lần/năm.