Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 62.915.290.582 đồng cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – Công ty cổ phần (60.635.768.454 đồng) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (2.279.522.128 đồng) từ nguồn chi bảo đảm xã hội của ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định. Việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán số kinh phí hỗ trợ nêu trên thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Bộ Tài chính, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng công ty Cà phê chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Ngày 08/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Ngày 3 tháng 5 năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2013/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; áp dụng đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thuỷ sản do nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; hợp tác xã; và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) – gọi chung là đơn vị sử dụng lao động.
Các đơn vị sử dụng lao động trên sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (kèm theo danh sách) được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính về chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là bảo hiểm), đào tạo nghề ngắn hạn, định mức lao động, tiền thuê đất.
Cụ thể:
Hỗ trợ về đào tạo nghề ngắn hạn: Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho việc đào tạo nghề đối với lao động phổ thông là người dân tộc thiểu số, mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.
Hỗ trợ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị có sử dụng lao động tiền bảo hiểm cho lao động là người dân tộc thiểu số được tuyển dụng mới hoặc ký hợp đồng lao động (thời gian tối đa là 05 năm đối với 01 lao động).
3. Hỗ trợ về định mức lao động: Đơn vị sử dụng lao động được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị do cơ quan có thẩm quyền quyết định để giao khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 20% định mức lao động chung cho đơn vị để giao khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Thời gian áp dụng tối đa là 5 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị.
4. Hỗ trợ về tiền thuê đất: Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 30% đến dưới 50% lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị (theo số lao động có mặt vào thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước liền kề năm báo cáo) được giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 50% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên làm việc tại đơn vị (theo số lao động có mặt vào thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước liền kề năm báo cáo) được miễn 100% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo ngắn hạn, tiền bảo hiểm và 20% định mức lao động chung của đơn vị để giao khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số.