Mục đích của Hội nghị nhằm thảo luận, thống nhất các nội dung về kỹ thuật và tổ chức chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ thi được diễn ra từ ngày 25 đến 30/7/2020 tại trung tâm hội nghị và triển lãm Suntec Singapore. Đến tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị có ông Ong Tze-Ch'in, Chủ tịch hội động Worldskills Singapore, Giám đốc điều hành Kỹ năng tương lai Singapore (SkillsFuture Singapore). Tham dự Hội nghị còn có gần 400 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các đoàn là Đại biểu chính thức, đại biểu kỹ thuật và chuyên gia kỹ thuật của 22 nghề được tổ chức tại kỳ thi đến từ 10 nước ASEAN.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm 26 thành viên do ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Kỹ thuật Việt Nam tại kỳ thi làm Trưởng đoàn cùng các chuyên gia, phiên dịch ở 22 nghề Việt Nam đăng ký tham dự tại kỳ thi.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Ông Ong Tze-Ch'in thay mặt Lãnh đạo ban tổ chức kỳ thi phát biểu, chào mừng toàn thể các đại biểu các nước Asean tham dự Hội nghị, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh và cam kết: Mặc dù đây là lần đầu tiên Singapore là đơn vị đăng cai, tổ chức kỳ thi tay nghề Asean, Singapore sẽ chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất có thể để cho kỳ thi được diễn ra tốt nhất, đảm bảo tuân thủ các quy định tại quy chế của kỳ thi đã được Hội nghị Uỷ ban tổ chức và Uỷ ban kỹ thuật của kỳ thi ban hành, đáp ứng một kỳ thi trang trọng, công bằng, minh bạch, liêm chính, sáng tạo và hội nhập.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam ông Nguyễn Chí Trường đã có bài phát biểu, trong đó đã bày tỏ sự cám ơn nước chủ nhà đã tổ chức Hội nghị Uỷ ban kỹ thuật lần thứ nhất chu đáo, công phu ấm áp tình hữu nghị về phát triển kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN, đồng thời cam kết các chuyên gia kỹ thuật của Việt Nam tham dự Hội nghị này sẽ cống hiến sức mình mình cùng các chuyên gia khác trong khối xây dựng và biện soạn đề thi ở tất cả các nghề phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trong khu vực và tiệm cận với chuẩn kỹ năng nghề thế giới được quy định trong quy chế của Kỳ thi.
Sau Lễ Khai mạc, Hội nghị đã thống nhất một số nội dung chính trước khi các nhóm chuyên gia đi vào nội dung xây dựng, biên soạn đề thi cho từng nghề. Cũng tại Hội nghị lần này, sẽ thống nhất rà soát, cập nhật khẳng định số thí sinh ở mỗi nghề của mỗi quốc gia sẽ tham dự tại Kỳ thi, trên cơ sở đó lựa chọn và khẳng định chuyên gia Trưởng và chuyên gia phó; xác định và khẳng định Đại biểu kỹ thuật của mỗi nước thành viên làm Chủ tịch ban giám khảo của từng nghề; bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Quy chế kỳ thi phù hợp với tình hình thực tế của Kỳ thi...
Theo phê chuẩn của ban tổ chức tại buổi làm việc cùng ngày, Đoàn Việt Nam đã khẳng định sự tham gia ở 22 nghề với 44 thí sinh và đảm nhiệm một số vị trí như sau: Đại biểu kỹ thuật của Việt Nam sẽ đảm nhiệm Chủ tịch ban giám khảo ở 4 nghề gồm: Rô bốt di động; Kết nối vạn vận IoT; Quản trị hệ thống mạng thông tin và Chăm sóc sắc đẹp. Các chuyên gia Việt Nam đảm nhận chuyên gia trưởng ở các nghề: Lắp cáp mạng thông tin; Bảo trì máy CNC; Điều khiển công nghiệp và đảm nhiệm chuyên gia phó ở nghề Hệ tống chuyển tiếp nhanh.
Các nghề đoàn việt Nam đăng ký tham dự bao gồm: Cơ điện tử, Giải pháp công nghệ phần mềm công nghệ thông tin, Lắp cáp mạng thông tin, Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, Điện tử, Thiết kế trang Web (Công nghệ Web), Lắp đặt điện, Thiết kế các kiểu tóc, Công nghệ thời trang, Chăm sóc sắc đẹp, Công nghệ Ô tô, Nấu ăn, Dịch vụ nhà hàng, Điện lạnh, Thiết kế đồ họa, Quản trị hệ thống mạng công nghệ thôn tin, Tự động hóa công nghiệp, Bảo trì máy CNC, Robot di động, Kết nối vạn vật (IOT), Hệ thống chuyển tiếp nhanh (trình diễn), Điều khiển công nghiệp (trình diễn).