Năm nay, do dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước, vì vậy nhiều trường đại học tuyển theo phương thức xét điểm học bạ hoặc xét tuyển kết hợp.
Năm 2021, phổ điểm thi theo một số tổ hợp xét tuyển truyền thống được Bộ GD&ÐT công bố cho thấy cao hơn năm 2020. TS Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo (trường đại học Thủy lợi) nhìn nhận, điểm chuẩn xét tuyển của các trường tăng hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: Chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT; nguyện vọng của thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển như thế nào; ngành trúng tuyển có đúng với ngành nghề mà thí sinh yêu thích, mong muốn theo học hay không. Tuy nhiên, với phổ điểm thi năm 2021 tăng hơn so với năm 2020 thì điểm chuẩn xét tuyển cũng sẽ tăng lên.
Theo lịch tuyển sinh năm 2021 mới nhất của Bộ GD&ĐT, các trường đại học và cao đẳng sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17h ngày 16/9.
Như vậy, chậm nhất là vào 17h ngày 16/9, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn xét tuyển năm 2021. Sau đó, các thí sinh sẽ làm thủ tục xác nhận nhập học trước 17h ngày 26/9 (tính theo dấu bưu điện).
Trước đó, các trường đã công bố điểm sàn xét tuyển trước 17h ngày 28/8.
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 29/8 đến 17h ngày 5/9 (được điều chỉnh 3 lần, bằng hình thức trực tuyến); điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực (thực hiện bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ).
Riêng trường hợp thí sinh muốn tăng số nguyện vọng xét tuyển so với số đăng ký ban đầu, các em phải đăng ký số nguyện vọng thêm trên phiếu trực tiếp để trường THPT bổ sung thêm vào hệ thống. Đồng thời, thí sinh vẫn phải tự vào hệ thống để đăng ký thêm.
Các thí sinh có nhu cầu điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực sẽ thực hiện bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ.
Theo quy định thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng cho nên các em cần căn cứ vào ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) của từng trường để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Một số trường đã công bố điểm sàn để thí sinh cân nhắc như: Trường đại học Kinh tế quốc dân 20 điểm; trường đại học Kinh tế (Ðại học Quốc gia Hà Nội) 23 điểm đối với chương trình đào tạo chất lượng cao (đã cộng điểm ưu tiên), 16,5 điểm với chương trình liên kết quốc tế (chưa cộng điểm ưu tiên); trường đại học Hà Nội 16 điểm… Ngoài ra, năm 2021, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến ba lần.
Tuy nhiên, để tránh trường hợp điểm thi cao vẫn trượt, hoặc trúng tuyển vào nguyện vọng không yêu thích, thí sinh cần ưu tiên đưa các nguyện vọng thích nhất và điểm trúng tuyển cao lên trước. "Ðiểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước, một số em đạt 25, 26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển nếu không cân nhắc, nghiên cứu kỹ. Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần xem xét: không vì thấy điểm mình bằng điểm chuẩn ngành này năm trước thì đăng ký mà không có các lựa chọn an toàn khác. Vì điểm cao là cao trên mặt bằng chung, chứ không phải cá biệt một số ít thí sinh" - PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ÐT) chia sẻ.