Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Hơn 83% thí sinh chỉ đạt dưới 5 điểm môn Lịch sử: 'Lỗi' ở cả thầy và trò

Điểm trung bình môn lịch sử thi THPT quốc gia năm 2018 thấp hơn hẳn so với những năm trước, chỉ 3,79 điểm. Trong khi đó, vào năm 2016 là 4,49 điểm còn năm 2017 là 4,6 điểm.

 

Một phòng thi THPT Quốc gia chỉ có 5 thí sinh tham gia thi môn Lịch sử.


Học sinh vẫn quen với lối học cũ, không có sự đầu tư, tạo đam mê với môn học

Các giáo viên tổ Khoa học xã hội thuộc Hệ thống giáo dục Học mãi đã phân tích và đưa ra các yếu tố ảnh hưởng khiến điểm môn Sử của kì thi THPT QG năm nay thấp kỉ lục:

Thứ nhất, đề thi “không chấp nhận” những thí sinh chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc móc sự kiện, ngày tháng. Những điều chỉnh của đề thi năm 2018 so với trước đây (chuyển từ việc kiểm tra việc tái hiện kiến thức sang việc đánh giá mức độ vận dụng kiến thức) khiến những học sinh có thói quen học vẹt, học thuộc lòng, không kết nối, vận dụng được kiến thức sẽ không làm được bài thi.

Thứ hai, khi bài thi có thêm kiến thức lớp 11, phạm vi kiến thức rộng hơn thì cũng sẽ ảnh hưởng đến độ khó cùa đề. Mặc dù về dung lượng đề thi nhìn sơ bộ thì đề 2018 có vẻ ngắn hơn so với đề thi năm 2017.

Thứ ba, giáo viên chưa thực sự đổi mới về cách dạy, học sinh cũng vẫn quen với lối học cũ, không có sự đầu tư và tạo đam mê với môn học này.

Lý giải về việc điểm thi môn Lịch sử quá thấp, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: Cá nhân ông không cảm thấy bất ngờ với kết quả này.

Theo phân tích của thầy Hiếu, có 3 lý do cơ bản dẫn đến việc điểm thi môn học này thấp. Thứ nhất, trong nhiều năm trở lại đây, số thí sinh chọn khối C, trong đó có môn Lịch sử để xét tuyển vào các trường đại học ngày càng ít. Thứ hai, phần nhiều các thí sinh năm trong tỉ lệ 81% dưới điểm trung bình chọn Lịch sử là môn thi công nhận tốt nghiệp. 

Với những thí sinh thi THPT quốc gia chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp, các em phần lớn sẽ chọn tổ hợp môn xã hội để thi vì các em quan niệm rằng tổ hợp môn khoa học xã hội sẽ dễ hơn tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Tâm lý chung của các thí sinh này là chỉ cần qua điểm liệt là đỗ tốt nghiệp, chứ không quan tâm điểm của môn là cao hay thấp. 

“Nhiều thí sinh khi bắt gặp nhiều câu hỏi phân hóa, nâng cao chủ yếu là dựa vào yếu tố “may - rủi”, đoán mò chứ không phải tự tin để lựa chọn phương án nào sai, phương án nào đúng. Điểm môn sử thấp không phải do học sinh dốt sử, mà chủ yếu là các em ngại học hoặc chỉ học cầm chừng vừa đủ để xét tốt nghiệp”, thầy Hiếu chia sẻ.

 

Sách giáo khoa thôi là chưa đủ

Với đề thi môn Lịch sử năm nay, các chuyên gia của hệ thống giáo dục Học mãi cho rằng, việc dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông cần thay đổi.

Về phía học sinh cần học để hiểu bản chất, nắm được "key word" (các từ khóa mô tả khái quát nhất, đặc thù nhất của các thời kì lịch sử; các giai đoạn, sự kiện lịch sử), kết hợp học trong sách vở và học qua thực tế đời sống.

Học sinh học theo sách giáo khoa là căn bản nhưng phải tìm hiểu thêm các tài liệu tham khảo để thu nhận thông tin, làm giàu vốn kiến thức. Đặc biệt lưu ý việc ghi nhớ các mốc sự kiện lớn.

Đối với giáo viên, khi dạy không cần đi quá chi tiết về diễn biến các sự kiện, chiến dịch. Theo đó cần hướng dẫn các em hiểu bản chất sự kiện, chú trọng lồng ghép và giải thích các thuật ngữ lịch sử, dạy kiến thức SGK nhưng phải kết hợp liên hệ thực tế, chú trọng sơ kết, tổng kết vấn đề cho học sinh.

Đồng thời người dạy cần hướng dẫn học sinh cách học từ các nguồn tài liệu tham khảo. Kết hợp, tích hợp các phương tiện, công cụ trong giảng dạy giúp học sinh lưu giữ được kiến thức một cách tự nhiên và có chiều sâu.

 

Tại TP. Hồ Chí Minh, môn Lịch sử có đông thí sinh đăng ký thi nhất ở tổ hợp bài Khoa học Xã hội, với 27.941 em nhưng chỉ 19,1% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, 80,9% bài thi có điểm dưới trung bình. 

Tại Đồng Nai, điểm trung bình môn Lịch sử chỉ chiếm trên 12,7% và có tới 87,3% bài thi điểm dưới 5.

Tại Đà Nẵng, 90% thí sinh đạt dưới 5 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tại Quảng Trị, chỉ hơn 17% thí sinh trên điểm trung bình môn Lịch sử. Tại Nghệ An, môn Lịch sử cũng có phổ điểm trung bình khá thấp, tập trung nhiều ở quãng từ 2,5 đến 4,5 điểm...