Theo Thông tư hướng dẫn, đối tượng tham gia đào tạo là người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm: Bác sĩ, bác sĩ y tế dự phòng, cử nhân điều dưỡng, y sĩ, điều dưỡng trung học, hộ sinh viên; cơ sở giáo dục có chức năng hoặc được giao nhiệm vụ đào tạo trong khối ngành sức khỏe, cơ sở đào tạo nhân lực y tế; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thông tư nêu rõ nội dung đào tạo chuyên môn về y tế lao động bao gồm: Tổng quan các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; quản lý yếu tố có hại tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp; sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; phòng chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc; an toàn thực phẩm và dinh dưỡng tại nơi làm việc; truyền thông giáo dục về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở sử dụng lao động; quản lý hồ sơ vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động.
Về thời gian đào tạo chuyên môn về y tế lao động, Thông tư nêu rõ: Thời gian đào tạo lần đầu cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động tối thiểu là 40 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đánh giá.
Đào tạo cập nhật chuyên môn về y tế lao động được thực hiện 5 năm một lần kể từ ngày chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động lần đầu có hiệu lực với thời gian đào tạo cập nhật ít nhất bằng 50% thời gian đào tạo lần đầu, bao gồm cả thời gian kiểm tra đánh giá.
Người tham gia đào tạo để được cấp chứng chỉ chuyên môn về y tế lao động phải tham dự đủ thời gian đào tạo quy định.Cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động cho người tham dự khóa đào tạo; lập sổ theo dõi, quản lý việc cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động theo mẫu quy định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6/2/2022.