Tại Hội nghị, nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu chung là xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp đã được các ban, ngành, địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học đưa ra.
Cơ hội và thách thức
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác TDTT và đã ban hành nhiều văn bản nhằm định hướng, chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý để phát triển sự nghiệp TDTT. Sau hơn 10 năm triển khai, các chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng tồn tại những hạn chế, đòi hỏi thể thao Việt Nam phải khắc phục nếu muốn nâng cao thành tích. Trên cơ sở đó, ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao nước nhà. Chiến lược cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp đến năm 2045.
Theo Chiến lược này, mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á.
Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.
Việc Hội nghị thu hút đại diện tham dự là lãnh đạo quản lý thể thao các đơn vị trong cả nước cùng đại diện nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao các môn, doanh nghiệp làm về lĩnh vực thể thao và các chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành của thể thao và nhiều lĩnh vực khác, đại diện các bộ, ban, ngành đã cho thấy tầm quan trọng và sự tập trung vào các nhóm nội dung để ngành thể thao triển khai hiệu quả nhất Chiến lược đã được đề ra.
Tại Hội nghị, các ý kiến đều tập trung đưa ra các giải pháp, kế hoạch trên cả 3 phương diện thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, từ đó, góp phần giúp ngành TDTT có được cái nhìn sát nhất để triển khai hiệu quả Chiến lược.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, các nhiệm vụ được Chiến lược đề ra đã có nội dung cụ thể, đồng thời Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới cũng chỉ ra nhiều nhiệm vụ trọng điểm. Vì vậy, cơ quan quản lý thể thao có rất nhiều công việc phải thực hiện và nhiều nội dung triển khai.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược”.
30 năm vẫn gặp khó
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Ủy ban TDTT, tên gọi cũ của Cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh cho rằng, thể thao Việt Nam cần thay đổi chiến lược ở SEA Games để bứt phá về thành tích.
Theo ông Minh, vấn đề cấp bách của ngành thể thao là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm với mục tiêu tốp đầu SEA Games, bởi nếu chỉ tập trung vào sân chơi này, thể thao Việt Nam khó có thể phát triển.
"Mặt trái của SEA Games là phụ thuộc vào các quốc gia tổ chức. Chúng ta phụ thuộc vào SEA Games, sẽ dẫn đến nguồn lực đầu tư bị phân tán. Đừng nên đặt mục tiêu tốp 2, tốp 3 SEA Games nữa.
Chúng ta phải hướng tới đứng đầu ở các môn Asiad hay Olympic như bơi, điền kinh, cử tạ, bắn súng, bóng bàn, hay một số môn võ. Ở SEA Games 2015, thể thao Việt Nam từng dẫn đầu một số môn Olympic", ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Cũng theo ông Minh, yêu cầu chuyển giao, san sẻ một số hoạt động của Cục TDTT sang cho các liên đoàn, hiệp hội đã được đề cập từ 30 năm trước nên nếu bây giờ nói mới đang từng bước thực hiện là không hợp lý.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Cục phó Cục TDTT khẳng định: "Một số liên đoàn trong nước đang làm tốt công tác xã hội hóa, nhờ quy tụ được những người giỏi, có tầm nhìn nên làm việc bài bản và hiệu quả".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mới chỉ chủ yếu có liên đoàn bóng đá và phần nào đó là bóng chuyền hay bắn súng là có thể kêu gọi được tài trợ, có nguồn lực đầu tư cho các huấn luyện viên, vận động viên, còn lại đa số đều hoạt động không hiệu quả.
Phó giám đốc Sở Văn Hóa - Thể thao TPHCM Nguyễn Nam Nhân cho rằng, cơ chế, chính sách đầu tư cho thể thao còn chưa hoàn thiện để sức hấp dẫn lôi kéo nguồn lực xã hội.
"Nếu không có đề án, hạ tầng chính sách phù hợp để đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và nhà nước, khối tư nhân có thể không tham gia tích cực vào thể thao", ông Nhân khẳng định.
Mai Hương
Báo Lao động và Xã hội số 137