Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Huyện Như Thanh (Thanh Hóa): Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp

Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiêp Tiểu dự án 3, Dự án 5 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã không ngừng đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho lao động, nhất là lao động trẻ.

Từng bước nâng cao chất lượng hướng nghiệp

Như Thanh là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Giai 2016-2020, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Như Thanh đang trên đà phát triển toàn diện, giá trị sản suất gia tăng bình quân luôn đạt trên 16,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ cấu lao động đã từng bước thay đổi ở các lĩnh vực theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Chương trình tư vấn, hướng nghiệp, xuất khẩu lao động cho học sinh tại huyện Như Thanh

Chương trình tư vấn, hướng nghiệp, xuất khẩu lao động cho học sinh tại huyện Như Thanh

Song song với sự phát triển kinh tế xã hội, lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước phát triển về quy mô, chất lượng và số lượng tuyển sinh. Các cơ chế, chính sách về giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề đã được huyện triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, tạo cơ hội để người có nhu cầu được hướng nghiệp, học nghề đều được tham gia. Trong đó chú trọng hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho học viên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX), học sinh phổ thông, THCS…

Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục hướng nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực. Cơ sở dạy nghề đang từng bước đầu tư mở rộng, đội ngũ cán bộ giáo viên cơ bản có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Đồng thời gắn chặt chẽ dạy nghề tại Trung tâm GDNN&GDTX của huyện với các lớp tập huấn ngắn hạn tại Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn; Chất lượng và số lượng đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng tuyển sinh tăng đều qua các năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp sau học nghề, dạy nghề cơ bản đã có việc làm ổn định. Đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài huyện.

Với mục tiêu giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng lao động, qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, huyện Như Thanh đã không ngừng đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho lao động, nhất là lao động trẻ.

“Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội huyện Như Thanh. Dạy nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh công tác XKLĐ góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn là hướng giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Ông Trương Thanh Tĩnh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Như Thanh cho biết, những năm gần đây, ở Như Thanh, nhận thức của xã hội, người lao động, đặc biệt là phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai đã có nhiều chuyển biến tích cực, xu hướng chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường được học sinh quan tâm hơn. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phổ thông đã chủ động sáng tạo trong việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh, tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.

UBND huyện Như Thanh đã ban hành Đề án Số 06/ĐA-UBND là cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp, ban hành cơ chế, thúc đẩy phát triển giáo dục hướng nghiệp và đào tạo nghề của huyện, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.  Trong đó tập trung vào một số ngành, nghề sơ cấp, trung cấp, dưới 3 tháng và nghề phổ thông như: Kỹ thuật trồng trọt; chăn nuôi - thú y; lâm nghiệp; chế biến nông, lâm, thủy sản, nghề hàn, tiện, điện dân dụng, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, điện lạnh, kỹ thuật may và thiết kế thời trang, may công nghiệp, chế tác đá mỹ nghệ, mây tre đan, lái xe ô tô, lái máy công trình...

“Qua Đề án Số 06/ĐA-UBND, huyện Như Thanh đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 100% học sinh lớp 9 của 14/14 xã, thị trấn; 100% học sinh 3 trường THPT và Trung tâm GDNN&GDTX được tư vấn hướng nghiệp. Phân luồng ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại Trung tâm GDNN&GDTX để lấy bằng tốt nghiệp THPT đồng thời được đào tạo song song trình độ sơ cấp, trung cấp nghề, khi ra trường các em có thể đi làm tại các doanh nghiệp địa phương, lao động ở nước ngoài, hoặc tiếp tục học lên cao nếu có nhu cầu. Giai đoạn 2026-2030  có 100% học sinh lớp 9; 100% học sinh THPT và Trung tâm GDNN&GDTX được tư vấn hướng nghiệp; phân luồng ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…”, ông Tĩnh nói.

Hướng nghiệp để chọn nghề phù hợp

Để nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp Tiểu dự án 3, Dự án 5 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Như Thanh đã ban hành các quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo, quy chế làm việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Như Thanh giai đoạn 2022- 2025; UBND huyện đã ban hành Công văn số 2282/UBND-DT ngày 26/9/2022  của UBND huyện về việc giao nhiệm vụ tham mưu tổ chức, triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 11/7/2023 về Thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5” Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Như Thanh đợt 1 năm 2023 ( đợt 1) và các quyết định giao nhiệm vụ cho Trung tâm GDNN&GDTX triển khai các lớp đào tạo nghề.

Học sinh huyện Như Thanh đặt câu hỏi, thắc mắc tại chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, xuất khẩu lao động

Học sinh huyện Như Thanh đặt câu hỏi, thắc mắc tại chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, xuất khẩu lao động

“Đến nay, huyện Như Thanh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn khởi nghiệp, học nghề cho Phó bí thư Đoàn các xã, thị trấn; Bí thư các chi đoàn thôn, bản, khu phố với 173 người tham gia. Tổ chức 8 cuộc truyền thông, hướng nghiệp cho 2.000 học sinh các trường THPT Như Thanh, THPT Như Thanh 2; THCS-THPT Như Thanh; THCS Cán Khê; THCS Xuân Du, THCS Xuân Khang, THCS Xuân Phúc và Trung tâm GDNN&GDTX. Xây dựng, tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp với 3.000 tờ rơi tuyên truyền cho học sinh THPT Như Thanh, THPT Như Thanh 2; THCS- THPT Như Thanh; Trung tâm GDNN&GDTX, học sinh lớp 9 THCS các trường và người dân. Đề nghị Sở Thông tin truyền thông cấp 6.000 tờ rơi tuyên truyền về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động và XKLĐ cho người lao động và thân nhân vùng DTTS và miền núi. Phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, Tỉnh đoàn, Trường Đại học Hồng Đức,  huyện Đoàn và các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên tại 3 cụm xã, thị trấn với 600 người tham gia…”, ông Tĩnh cho biết.

 “Thông qua các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm đã giúp cho các em học sinh, người lao động hiểu bản thân mình về sở thích, đam mê, tính cách và năng lực; tìm hiểu ngành nghề cho phù hợp thế mạnh và sở thích bản thân; xây dựng hồ sơ học tập đáp ứng với yêu cầu của các trường, các ngành nghề; tự trải nghiệm và cung cấp thông tin nhu cầu thị trường lao động, định hướng, giúp học sinh, người lao động lựa chọn ngành, nghề phù hợp, tránh vì thiếu sự hiểu biết mà đăng ký ngành, nghề theo cảm tính. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu, tham khảo các thông tin về thị trường lao động thực tế ở từng thời điểm, đội ngũ tư vấn hướng nghiệp cung cấp cho học sinh, người lao động nhiều thông tin hữu ích về những ngành nghề, công việc phù hợp với năng lực. Từ đó học sinh, người lao động chủ động trong việc lựa chọn nghành nghề phù hợp trong tương lai…”, ông Tĩnh thông tin thêm.