Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Huyện Thiệu Hoá (Thanh Hóa): Lá cờ đầu trong công tác xuất khẩu lao động

(Dân sinh) - Xác định công tác xuất khẩu lao động là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Những năm qua, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Nhờ vào xuất khẩu lao động, hàng trăm hộ gia đình nơi đây không chỉ đã thoát được nghèo bền vững, mà còn vươn lên làm giàu…

Làm tốt công tác tuyên truyền

Để thực hiện có hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, hàng năm Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thiệu Hoá đã tham mưu cho lãnh đạo huyện ban hành kế hoạch xuất khẩu lao động, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn. Tích cực tuyên truyền để từng người dân, người lao động hiểu, xuất khẩu lao động là một trong những hướng đi đúng giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững và dần làm giàu.

Trên cơ sở đó, huyện Thiệu Hoá đã thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của huyện, phối hợp với UBND các xã, thị trấn; các phòng, ngành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến mọi người dân về mục đích ý nghĩa của xuất khẩu lao động, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và thị trường xuất khẩu lao động; phối hợp với các doanh nghiệp có phép tuyển dụng, tổ chức các cuộc tham vấn cộng đồng cho cán bộ thôn, người lao động về xuất khẩu lao động, thông báo thị trường, ngành, nghề lao động cần tuyển dụng, mức phí, thu nhập và các quy định khi tham gia xuất khẩu lao động; đưa tin tuyên truyền những gia đình có người đi xuất khẩu lao động có hiệu quả; tuyên truyền vận động các lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước; cung cấp danh sách lao động hết hợp đồng, sắp hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc cho các xã, thị trấn để tuyên truyền vận động người lao động về nước nhằm giảm tỷ lệ lao động sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc; giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh về vay vốn, hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động.

Để công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn có hiệu quả, Thiệu Hoá đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chỉ đạo các xã, thị trấn. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ của từng thành viên, mà nòng cốt là Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên các xã, thị trấn. Tích cực phối hợp có hiệu quả giữa Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cấp huyện với UBND các xã, thị trấn và công ty xuất khẩu lao động tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện; tổ chức các hội nghị cấp xã, cụm, thôn nhằm tuyên truyền sâu rộng đến người dân về vai trò của xuất khẩu lao động đối với công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo của địa phương; nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo và dần làm giàu đối với người dân.

Huyện Thiệu Hoá (Thanh Hóa): Lá cờ đầu trong công tác xuất khẩu lao động  - Ảnh 1.

Tư vấn cho người lao động lựa chọn thị trường lao động phù hợp

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, các trường Cao đẳng nghề trong nước tăng số lượng các buổi tuyên truyền, tư vấn, thông tin về cơ hội việc làm cho người lao động để lựa chọn thị trường lao động phù hợp.

Lá cờ đầu trong công tác xuất khẩu lao động

Với cách làm sáng tạo, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, những năm gần đây, huyện Thiệu Hoá luôn thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động, được tỉnh đánh giá cao.

Giai đoạn 2015 đến nay, toàn huyện có 2.332 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (năm 2015 là 402 lao động; năm 2016 là 450 lao động, năm 2017 là 520 lao động, năm 2018 là 510 lao động). Riêng năm 2019, đến tháng 10, Thiệu Hóa đã có 450 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Cộng hòa Liên bang Đức, CH Séc, Malaixia, các nước Trung Đông; thực hiện chính sách hỗ trợ người đi làm việc ở nước ngoài theo hỗ trợ của tỉnh cho 829 người lao động, với kinh phí là 2.467 triệu đồng.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, Thiệu Hóa hiện là một trong các huyện có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều của tỉnh. Hiện nay số lao động của huyện đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng trên 3.000 người. Hàng năm, số tiến lao động gửi về giai đoạn 2015 đến nay ước khoảng 200 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này nhiều gia đình đã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ đi xuất khẩu lao động và góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được trong công tác xuất khẩu lao động, ông Đào Hồng Quang, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thiệu Hoá cho biết: "Trước đây, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nên người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động ở các nước, khiến họ còn e ngại khi tham gia xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến công tác xuất khẩu lao động, chưa hiểu hết vai trò của xuất khẩu lao động đối với công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Trong khi đó, đa phần người lao động chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt, tác phong lao động công nghiệp; năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn yếu và có tâm lý ngại đi làm ăn xa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, đến nay, người lao động hiểu rõ hơn vai trò của XKLĐ - là con đường giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững và dần làm giàu. Đây cũng là một trong những giải pháp để Thiệu Hoá thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo".