Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 10.000 tàu cá với trên 30.000 lao động biển. Song chỉ khoảng 30% trong số đó thực sự bám nghề truyền thống vững chắc, còn lại 70% lao động thời vụ, không có sự gắn bó dài lâu với nghề. Việc khan hiếm lao động biển luôn khiến các chủ tàu đau đầu, do vậy phải đặt cọc để tìm được "bạn thuyền" dù đôi khi biết chắc, rất có thể sẽ mất tiền cọc, mất luôn bạn thuyền.
Mỗi lần nhắc lại, ngư dân Trần Văn Tài không khỏi bức xúc: “Giờ lừa đảo ghê lắm, xuống mượn chủ ghe 5 - 7 triệu đồng xong nghỉ, rồi lại qua chiếc khác mượn tiền như vậy”.
Chủ thuyền luôn trăn trở vì thiếu "bạn thuyền".
Trước mỗi chuyến đi biển, chủ tàu bao giờ cũng phải ứng tiền trước cho các lao động đi biển. Phải đưa trước tiền thì các “bạn thuyền” mới chấp nhận đi biển. Ngư dân gọi đây là tiền đặt cọc "bạn thuyền". Mỗi "bạn thuyền" phải bỏ ra số tiền từ 4 - 5 triệu đồng nhưng đến ngày đi biển những người gọi là "bạn thuyền" này lại chẳng thấy đâu.
Đa phần đây là lao động tự do, từ nhiều vùng khác nhau tới, công việc không ổn định, chưa kể thiếu tay nghề. Nhiều người sau khi cầm tiền cọc xong có tâm lý tiêu xài, làm biếng hoặc ngại sóng to biển cả mà cầm cọc rồi bỏ đi.
Sự việc các chủ tàu cá bị mắc lừa được nhiều người cho là kết cục được báo trước. Chủ tàu khi đưa tiền trước cho lao động đi biển nhưng không hề có một giấy tờ cam kết, biết trước là rủi ro nhưng vẫn chấp nhận.
Nhiều chủ thuyền cho hay, hiện lao động đi biển đang trong tình trạng thiếu trầm trọng. Các chủ thuyền muốn có “bạn thuyền” thường phải nhờ người giới thiệu tìm giúp. Song, đa phần các 'bạn thuyền" thường xin “nhận cọc” rồi không đi biển. Đã gần hết mùa đánh bắt nhưng hiệu quả đánh bắt không cao do thiếu hụt lao động khiến ngư dân lo lắng trong các khoản thu để trả nợ.
Một khi bài toán thiếu hụt lao động chưa được giải quyết thì vẫn còn kéo dài những hệ lụy phát sinh, nhất là khi các tàu cá phải nằm bờ.
Tàu cá nằm bờ vì thiếu lao động đi biển.
Để thu hút lao động đi biển, thu nhập phải nâng lên nhưng điều này người dân không thể quyết định mà chỉ phụ thuộc vào chuyến biển có khai thác được nhiều cá hay không và cá có bán được giá hay không. Hiện các cơ quan chức năng địa phương đã đề xuất một chính sách, quy định đảm bảo quyền lợi cho ngư dân về hợp đồng lao động, BHXH, mở lớp đào tạo nghề khai thác thủy sản theo hướng hiện đại... nhằm tạo điều kiện thu hút lao động biển bám nghề.