Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Kiên Giang bố trí các nguồn lực để làm tốt nhiệm vụ dạy nghề

(Dân sinh) - Tổ chức tốt hoạt động dạy nghề - nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn, là công việc luôn được ngành Lao động – TB&XH Kiên Giang đặc biệt quan tâm. Làm tốt nhiệm vụ dạy nghề không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo mà quan trọng hơn là tích cực giải quyết việc làm, ổn định nâng cao đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu vùng xa, bãi ngang… của tỉnh.

"Qua 3 năm thực hiện nhiệm vụ, Sở LĐ-TB&XH cơ bản đạt được chỉ tiêu nghị quyết đề ra; tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện các lĩnh vực người có công, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội... khá kịp thời, đầy đủ". Đó là khẳng định của Đồng chí Đặng Tuyết Em - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang về khảo sát tình hình thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Kiên Giang bố trí các nguồn lực để làm tốt nhiệm vụ dạy nghề - Ảnh 1.

Đ/c Đặng Tuyết Em - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang

Từ năm 2016 đến tháng 5-2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm trên 126.000 lượt lao động, đạt trên 72% chỉ tiêu nghị quyết, ước thực hiện đến cuối năm 2020 giải quyết việc làm trên 183.000 lượt lao động, đạt trên 104% chỉ tiêu nghị quyết. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 43% cuối năm 2015 nâng lên 48% năm 2018, ước đến năm 2020 đạt 50%. Riêng tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm bình quân đạt 83%, đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra. Sở LĐ-TB&XH thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng... Đến tháng 5-2019, xây dựng và sửa chữa 12.633 căn nhà tình nghĩa, với kinh phí trên 492 tỷ đồng.

Sở LĐ-TB&XH đã tooe chức chi trợ cấp hàng tháng cho gần 50.000 đối tượng yếu thế. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân trong 4 năm là 1,8%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra giảm từ 1 - 1,5%/năm). Các chỉ tiêu về công tác trẻ em cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giảm xuống còn 1,15%. Sở phối hợp các ngành, địa phương tiếp nhận, hỗ trợ 9 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ kinh phí phục vụ triệt xóa 65 tụ điểm hoạt động mại dâm; thành lập 115 đội công tác xã hội tình nguyện… 

Kiên Giang bố trí các nguồn lực để làm tốt nhiệm vụ dạy nghề - Ảnh 2.

Khai giảng lớp dạy nghề nông thôn tại huyện Gò Quao

Theo ông Đặng Hồng Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội: Công tác "Đào tạo nghề găn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn" giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Mạng lưới cơ sở dạy nghề ngày càng được mở rộng đào tạo các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và dạy nghề thường xuyên. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề tăng liên tục qua các năm; công tác xã hội hóa nguồn lực được mở rộng. Cơ sở vật chất được bổ sung để nâng cao năng lực dạy nghề các Trường trung cấp, Cao đẳng được đầu tư trang thiết bị dạy nghề hiện đại theo nhu cầu của thị trường đầu tư các nghề trọng điểm, nâng cao năng lực cho các trường Trung cấp và Trung tâm hướng nghiệp và GDTX. Tính từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền trên 300 cuộc với hơn 10.000 lượt công chức viên chức và người lao động tham dự, xây dựng các chuyên mục về đào tạo nghề - Giải quyết việc làm trên sóng phát thanh truyền hình và Báo Kiên Giang. Tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được cho 89.601 người trong đó cao đẳng 7.002 sinh viê, trung cấp 8.176 học sinh, đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 74.423 học sinh ước đến cuối năm 2019 là 102.261 người tăng 14% và đến 2020 là 127.361 người (tăng 24.4%.).

Đối với việc thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ, tỉnh đã thực hiện việc phân cấp triệt để cho các địa phương trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm. Tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong công tác lập kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương. Việc triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đã giải quyết được nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho một số lao động nông thôn, góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.


Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, rà soát cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ của các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên, các cơ sở dạy nghề. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, công chức, viên chức và lao động nông thôn về vai trò của công tác đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiến hành lồng ghép các chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, phải thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công trong Đề án 1956 và yêu cầu thực tiễn đặt ra trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Triển khai kế hoạch đào tạo đảm bảo chỉ tiêu, tiến độ và chất lượng bố trí, sắp xếp các nguồn lực và đề xuất các giải pháp cải thiện trong đào tạo, tạo được nhiều việc làm, phát huy tiềm năng thế mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh phù hợp với thực tế, giúp giảm nghèo bền vững./.