Tham dự Hội thảo có TS. Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu đến từ Bộ LĐ-TB&XH và các Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục GDNN; các diễn giả, các chuyên gia từ các tổ chức: ILO, ADB, GIZ và SwissEP; các đối tác quốc tế song phương và đa phương; các tổ chức phi chính phủ; các hiệp hội, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực GDNN khác; đại diện Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.
Để thúc đẩy và khuyến khích phong trào khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần chủ động tìm và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; 12 triệu lượt học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, tự tạo việc làm.
Đề án cũng đưa ra chỉ tiêu tổ chức ít nhất 150 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho 7.500 lượt cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ giáo viên giảng dạy khởi nghiệp. Song song với đó là 150 lớp đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho 15 nghìn lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 100% các trường cao đẳng, 50% các trường trung cấp thành lập tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, lắng nghe các ý kiến chia sẻ về Kết hợp Chương trình Khởi sự doanh nghiệp và Tăng cường khả năng kinh doanh (SIYB) với các chương trình Giáo dục nghề nghiệp (ILO, Geveva); Kinh nghiệm của ADB về Hỗ trợ Khởi nghiệp và Ví dụ điển hình từ Singapore, mô hình hỗ trợ sinh viên GDNN khởi nghiệp của CHLB Đức - Trao quyền cho giới trẻ và chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp của Thụy Sỹ (SwissEP) tại Việt Nam. Cũng tại hội thảo, các đại biểu lắng nghe chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp và các học sinh, sinh viên về những khó khăn, vướng mắc trong quá quá trình thực hiện những dự án khởi nghiệp và đề xuất hỗ trợ khởi nghiệp. Theo nhiều doanh nghiệp và đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp một cách chuyên nghiệp; đưa môn học "startup" - khởi nghiệp vào trong chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ chi phí cho các học sinh sớm làm quen.
TS. Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN khẳng định những thông tin, bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo hết sức quan trọng, hữu ích đối với Tổng cục GDNN trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh cho thế hệ trẻ cũng như tìm kiếm cách thức tập hợp nguồn lực đầu tư các dự án khởi nghiệp xuất sắc và xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tổng cục GDNN mong muốn được tiếp tục lắng nghe những kinh nghiệm của các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng như nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ tất cả các đối tác trong các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.