Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần có phương án, kịch bản dự phòng trong mọi khâu tổ chức

Ngày 20/5, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tổ chức cuộc họp lần thứ nhất. Dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giữ ổn định như năm 2021

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi, thống nhất các nội dung, nhiệm vụ triển khai tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, bao gồm xây dựng kế hoạch tổng thể tổ chức Kỳ thi, phân công trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo và những công việc liên quan đến chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi.

Trước đó, ngày 9/5/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 1275/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2022 theo đúng các quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo theo phân công của Trưởng Ban chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được giữ ổn định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ như năm 2021. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm Trưởng ban; các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT làm Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo vụ, cục liên quan thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ làm ủy viên; Ủy viên thường trực là lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021, với một số điều chỉnh về giải pháp kỹ thuật. Trong đó, điểm mới căn bản là tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến cho các học sinh lớp 12 năm học 2021-2022. Ngoài ra, có một số vi chỉnh kỹ thuật để bảo đảm thuận lợi trong tác nghiệp và an toàn hơn cho các khâu tổ chức Kỳ thi.

Kỳ thi tiếp tục được thực hiện theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Thí sinh dự thi sẽ làm các bài thi trong 2 ngày 7,8/7/2022. Kết quả thi được công bố đồng thời vào ngày 24/7/2022. Công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26/7/2022.

 

Năm 2022, lần đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến. Đến thời điểm 17h00 ngày 13/5/2022, theo tổng hợp của Bộ GD&ĐT, có 1.001.011 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến là 934.186 (chiếm 93.32%); số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp là 66.827 (chiếm 6.68%). Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi đối với thí sinh.

Tổ chức Kỳ thi an toàn, chặt chẽ, nhưng phải bảo đảm tính nhân văn

Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “không để bị động trong mọi tình huống”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần có phương án, kịch bản dự phòng trong mọi khâu tổ chức kỳ thi. Đồng thời với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân công nhằm tăng cường trách nhiệm của các địa phương với kỳ thi. Bộ trưởng GD&ĐT cũng đặc biệt lưu ý đến một số yêu cầu như: Công tác kiểm tra trước và trong kỳ thi, công tác ra đề, in sao, bảo mật đề thi, công tác phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong tổ chức Kỳ thi...

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhấn mạnh một số nội dung cần thống nhất trong Ban Chỉ đạo. Theo đó, đầu tiên là nhận thức và quyết tâm cao trong tổ chức Kỳ thi, cố gắng không để bất kỳ sơ suất nào xảy ra. Hoàn thiện các văn bản liên quan đến Kỳ thi; phân công rõ người, rõ việc. Đặc biệt chú trọng công tác nhân sự; nhân sự tham gia tổ chức thi phải tâm huyết, trách  nhiệm, có năng lực và phải được tập huấn.

Một số vấn đề khác cũng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý như, công tác chuẩn bị các điều kiện cho Kỳ thi; phần mềm; công tác ra đề thi; công tác thanh tra, kiểm tra và bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi. “Làm sao để tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chặt chẽ, nhưng phải bảo đảm tính nhân văn”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.