Hiện tại huyện Đức Trọng đã tiến hành cấp phát cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Trọng, có 3 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội và người có công gặp khó khăn. Tổng số người được nhận hỗ trợ trong dịp này là 5.969 người, với số tiền chi là 8 tỷ 953,5 triệu đồng. Trong đó, có 810 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; 4.816 người thuộc diện bảo trợ xã hội; là 340 người có công gặp khó khăn. Nhóm đối tượng lao động tự do còn lại, Phòng sẽ giao cho các xã tiếp tục rà soát và lên danh sách hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.
UBND huyện Đức Trọng cũng đã yêu cầu cơ quan chuyên môn và các địa phương khẩn trương thực hiện ngay để chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến tận tay người được hưởng một cách nhanh nhất và hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, tránh bỏ sót, không trùng lắp đối tượng. Đồng thời, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách theo quy định, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch 4848 và Quyết định 1900 hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Civid-19.
Đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh gồm: Lao động tự do đó là những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị mất việc làm, không có thu nhập. Cụ thể, gồm những người làm một trong các công việc sau: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp (cắt, uốn tóc, làm móng, gội đầu), karaoke, vũ trường, quán bar, phòng trà, rạp chiếu phim, cơ sở massage, xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, cơ sở tập gym, bi da, yoga, golf, hồ bơi; thu gom rác, phế liệu; bốc vác; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (kể cả lái xe công nghệ), lái xe, phụ xe ô tô chở khách, vận chuyển hàng hóa; xe ngựa chở khách; đánh giày, lao động tại các trường mầm non, nhóm trẻ, người bán vé số lưu động. Đối với lao động tự do, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh các đối tượng khác cần hỗ trợ, UBND các huyện, thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ hoặc báo cáo UBND tỉnh để giải quyết.
Đối với các đối tượng đặc thù khác tại địa phương, gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng gặp khó khăn (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hàng tháng), có trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 7 năm 2021; thương binh, bệnh binh không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng gặp khó khăn. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, có trong danh sách được hưởng trợ cấp xã hội tháng 7/2021. Hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận.
UBND tỉnh đã có Văn bản số 5307 đề nghị các địa phương chủ động tạm ứng ngân sách của địa phương mình để kịp thời chi hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với định mức hỗ trợ: đối tượng là cá nhân 1,5 triệu đồng/người/lần. Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo 1,5 triệu đồng/hộ/lần. Quyết định cũng nêu rõ, đối tượng người bán vé số lưu động, nguồn từ kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng và hạch toán vào chi phí của Công ty. Các đối tượng còn lại từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 68 và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 68 cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ.
Đặc biệt, hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm Cocid-19 (FO) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1). Hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch. Cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay các địa phương đã tiến hành hành cấp phát tiền cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn với tinh thần khẩn trương. Với trách nhiệm của ngành, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các hướng dẫn cụ thể, đồng thời công khai số điện thoại của Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở để tiếp nhận các phản ánh của người dân, những vướng mắc từ cơ sở để kịp thời giải quyết. Về phía các địa phương, cũng rất chủ động trong công tác rà soát. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố luôn chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện về cơ chế để Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các phòng chuyên môn liên quan, UBND cấp xã triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.